Ma túy - Hiểm họa khôn lường

Kỳ 1: Sa ngã từ những bữa tiệc thâu đêm

Thứ Năm, 14/07/2022, 19:36 [GMT+7]
In bài này
.

Trong những cuộc vui “thâu đêm suốt sáng” cùng đám bạn, một bộ phận giới trẻ bị lôi kéo, dụ dỗ vào thú chơi ảo giác - ma túy đá để rồi lãnh hậu quả khôn lường.

Các HV cơ sở cai nghiện trong giờ lao động.
Các HV cơ sở cai nghiện trong giờ lao động.

Thử cảm giác lạ

Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh (gọi tắt là cơ sở cai nghiện, ấp 6, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) nhiều năm qua tiếp nhận hàng chục ngàn học viên (HV) đến điều trị, trong đó hầu hết là những người trẻ. 

Chứng kiến N.Đ.A. (28 tuổi, ngụ TP. Bà Rịa) với gương mặt sáng, nụ cười hiền cùng đôi tay thoăn thoát khi đan lưới, ít ai nghĩ rằng đây là lần thứ ba học viên này phải vào đây cai nghiện. A. bị lực lượng chức năng lập hồ sơ đưa đi cơ sở cai nghiện lần gần nhất vào  tháng 10/2021.

“Lần thứ hai (năm 2018) ra khỏi cơ sở cai nghiện em bỏ được một năm nhưng gia đình nhiều chuyện buồn cộng với việc bị bạn bè rủ rê nên lại dính vào ma túy”, nam HV này kể và cho biết thêm, ngày đầu sa chân vào con đường nghiện ngập là năm 2013 khi vừa tròn 18 tuổi.

Nghỉ học sớm và giao du nhiều với bạn bè ngoài xã hội, kèm theo đó là dày đặc các cuộc nhậu, bữa tiệc linh đình, khiến A. đến gần với ma túy đá. Trong một lần dự sinh nhật của người bạn, A. đã bắt đầu thử chơi ma túy đá và dần lệ thuộc vào nó lúc nào không hay.

“Bình thường thì không sao nhưng mỗi lần buồn hay nhậu vào là em lại nhớ đến nó, không dứt ra được”, A. tâm sự.

Điều đáng trách là hoàn cảnh kinh tế gia đình A. không mấy dư giả mà thuộc diện khó khăn. Cha mất sớm, thay vì lo làm lụng, chia sẻ khó khăn với người mẹ thì A. lại vướng vào ma túy để rồi phải đi cai nghiện bắt buộc.

Đến những cơn ngáo đá

Nhớ lại lần sử dụng ma túy gần đây nhất trước khi bị đưa vào cơ sở cai nghiện vào tháng 10/2021, A. cho biết, thời điểm đó dịch COVID-19 vẫn còn đang phức tạp. A. cùng nhóm bạn móc nối nhau tìm cách tuồn ma túy về nhà dự trữ để chơi dần. Tần suất sử dụng liên tục khiến cơn ngáo đá xuất hiện ngày càng nhiều.

“Nhiều lúc nghe tiếng mèo trên nóc nhà mà tưởng ăn trộm nên tôi leo lên rình cả buổi trưa. Cũng có lần ngấm thuốc, em bị ảo giác, cứ nghĩ mẹ đang khóc và đòi báo công an nên quỳ xuống lạy lục, van xin. Giờ nghĩ lại em thấy rất ân hận”, A. bùi ngùi nói.

Cũng từ các cuộc vui đã đưa HV T.V.L. (24 tuổi, ngụ TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức) vào con đường nghiện ngập. Là anh cả trong gia đình, mẹ mất sớm, bố phải nuôi 3 con ăn học. L. nghỉ học từ lớp 9 và lên TP. Hồ Chí Minh học nghề. Khi đã có việc ổn định và kinh tế  phụ giúp gia đình cũng là lúc L. “vấp ngã”. 

L. kể, cuối năm 2020, anh được những người bạn tại TP. Hồ Chí Minh rủ dự tiệc sinh nhật sau đó về phòng trọ tiếp tục ăn nhậu. Lúc này nhóm bạn rủ rê, lôi kéo L. chơi ma túy đá để… thử cảm giác. Sau vài lần thử, L. cũng bắt đầu lệ thuộc vào loại tệ nạn này. 

Đến tháng 9/2021, L. bị lực lượng chức năng test ngẫu nhiên và cho kết quả dương tính. Do tình hình dịch COVID-19 phức tạp, đến tháng 2/2022, L. mới bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Sau 5 tháng chấp hành cai nghiện, L. không còn cảm thấy thèm ma túy và rất ân hận về những việc đã làm.

“Cha hay vào thăm, cũng khuyên em cố gắng cai nghiện. Em cũng quyết tâm bỏ ma túy để làm lại từ đầu, không để mọi người trong gia đình phải xấu hổ”, L. chia sẻ.

Không chỉ L. hay A., mà nhiều HV tại cơ sở cai nghiện bằng cách này hay cách khác vô tình “thử một lần” với ma túy để rồi phải trả giá cho những cơn ảo giác dai dẳng về sau.

Ông Nguyễn Văn An, Chuyên viên Phòng Tư vấn Giáo dục tại Cơ sở Tư vấn và Điều trị nghiện ma túy tỉnh cho biết, cơ sở đang tiếp nhận, điều trị cho hơn 470 HV. Thời điểm trước dịch COVID-19, số HV dao động từ 800-900 người, gồm cả cai nghiện bắt buộc lẫn tự nguyện. Điểm đáng báo động hiện nay là người sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí bắt đầu trẻ hóa. Người nghiện trẻ tuổi chiếm tỷ lệ rất cao, từ 60-70% ở độ tuổi dưới 35, trong đó nhiều HV 18 tuổi.

Bài, ảnh: TRẦN TIẾN - TIỂU THIÊN

(Còn tiếp)

;
.