Say rượu, bia vẫn lái xe bị xử lý thế nào?
Bạn đọc Đặng Thị Kính, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ gọi điện đến đường dây nóng Báo Bà Rịa-Vũng Tàu hỏi: Gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến tài xế uống rượu, bia. Đơn cử, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế xe Audi sau khi sử dụng rượu bia đâm 3 người trong 1 gia đình tử vong tại Bắc Giang mới đây. Vậy cho tôi hỏi, mức xử phạt đối với tài xế uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông là như thế nào?
Về vấn đề này, Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh BR-VT phân tích:
Uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện là lỗi vi phạm giao thông đường bộ rất nhiều người mắc phải. Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức phạt phổ biến liên quan đến người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng bia rượu được quy định như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi:
- Điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c, khoản 6, Điều 5), mức xử phạt 6 - 8 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c, khoản 8, Điều 5), phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. (Điểm a, b khoản 10, Điều 5) bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng. Ngoài ra còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm một trong các hành vi:
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c khoản 6 Điều 6), bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và bị tước Giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. (Điểm c, khoản 7, Điều 6) bị phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe từ 16 - 18 tháng.
- Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ. (Điểm e, g khoản 8, Điều 6) phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Mức xử lý hình sự
Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
PHƯƠNG ANH
(Thực hiện)