.

Bộ Công an khuyến cáo về phòng chống mua bán người

Cập nhật: 16:00, 28/06/2022 (GMT+7)

Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp cùng các đơn vị liên quan đưa một cô gái trú tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên từ Campuchia về Việt Nam sau 15 ngày mất tích.

Ông Nguyễn Văn Hương, cha của cô gái mất tích, thông báo tìm con khi con gái bị mất tích. Ảnh: NY
Ông Nguyễn Văn Hương, cha của cô gái mất tích, thông báo tìm con khi con gái bị mất tích. Ảnh: NY

Tin lời người lạ qua mạng xã hội, cô gái rơi vào cạm bẫy

Theo lời kể từ gia đình, cô gái từ quê vào TP.HCM làm việc với lời hứa hẹn về mức lương cao từ một người lạ thông qua mạng xã hội. Tuy nhiên, cô gái cùng năm nạn nhân khác đã bị đưa sang Campuchia.

Tại nơi đất khách, nhóm nạn nhân bị nhốt vào căn phòng diện tích khoảng 20 m2, có người canh gác liên tục, chuyển nơi ở liên tục, không được sử dụng điện thoại… Rất may cô gái đã được cơ quan công an truy tìm đưa về với gia đình.

Ngay sau vụ việc trên, nhiều bạn đọc bày tỏ sự lo lắng về việc làm thế nào để những đối tượng yếu thế (trẻ em, học sinh, sinh viên…) có thể nhận diện và phòng tránh nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người?

Trả lời vấn đề này, Bộ Công an cho hay để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, trước hết bản thân mỗi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân. Đây là yếu tố cần thiết trong công tác phòng ngừa, tránh tạo môi trường thuận lợi để tội phạm hoạt động.

Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa.

Đặc biệt, người dân, nhất là nhóm trẻ tuổi cần cảnh giác, đề phòng người lạ hoặc cả người thân đi làm ăn xa trở về hứa hẹn tìm việc hoặc rủ hợp tác làm ăn. Luôn đặt nghi vấn trước những lời hứa hẹn, dụ dỗ tìm việc làm có thu nhập cao trong các nhà máy, cửa hàng, quán bar, giúp việc trong nước, nước ngoài hoặc lấy chồng nước ngoài giàu có.

Người dân cũng nên cảnh giác, từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là từ người lạ mới quen biết.

Trước khi nhận lời mời, mỗi người cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm mà mình định đến và đặc điểm, nhân thân của những người đi cùng mình như thế nào. “Hãy tham khảo ý kiến của mọi người và thông báo, nhắn gửi cho gia đình, người thân biết mình sẽ đi đâu, đi với ai trước khi quyết định đi xa” - Bộ Công an khuyến cáo.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng nhấn mạnh việc cần thường xuyên tìm hiểu để nâng cao trình độ văn hóa, pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ, có thể đảm bảo an toàn cho bản thân và giúp cho người thân khỏi bị mua bán.

Một trong những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả là luôn nhớ địa chỉ và số điện thoại tin cậy, có thể là của chính quyền, cơ quan, tổ chức, người thân… để có thể liên hệ giúp đỡ khi cần thiết. Đồng thời, mỗi người nên tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bạn bè biết và cảnh giác với tội phạm mua bán người.

Tập trung tuyên truyền pháp luật về phòng chống mua bán người

Theo Bộ Công an dưới góc độ quản lý, các cơ quan, tổ chức cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nhất là tập trung vào nhóm có nguy cơ cao trở thành nạn nhân để có các biện pháp, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng. Nội dung tập trung tuyên truyền chủ yếu là chính sách pháp luật về phòng chống mua bán người, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, kỹ năng phòng ngừa phát hiện… để nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Về phía nhà trường, các cơ sở giáo dục cần quản lý chặt chẽ việc học tập và các hoạt động khác của học sinh, sinh viên, học viên. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục ngoại khóa về phòng chống mua bán người phù hợp với từng cấp học, ngành học; phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống mua bán người…

TUYẾN PHAN

 

 

.
.
.