Nhắc nhở, uốn nắn kịp thời
Trong đợt ra quân cao điểm (từ 20/6-20/9/2022), ngoài tập trung phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) còn gửi thông báo về cơ quan quản lý đối với những trường hợp vi phạm là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang.
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ 1 trường hợp tham gia giao thông trên QL56. |
Lực lượng CSGT toàn quốc đang đồng loạt triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm trên các tuyến giao thông để kịp thời ngăn chặn các hành vi là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông. Đợt cao điểm kéo dài trong 3 tháng (từ 20/6-20/9/2022) với nhiều điểm mới. Theo đó, ngoài tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: nồng độ cồn trong máu vượt mức cho phép, chạy quá tốc độ, chở quá tải, cơi nới thành, thùng xe, lực lượng chức năng sẽ phối hợp tuyên truyền, ngăn chặn vi phạm từ gốc; cưỡng chế cắt thành, thùng xe, hạ tải tại nơi vi phạm...
Đặc biệt, trong đợt cao điểm này, các trường hợp là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… vi phạm sẽ bị lực lượng làm nhiệm vụ gửi thông báo về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Trước thông tin này, nhiều người băn khoăn: Hành vi vi phạm Luật giao thông chỉ là vi phạm hành chính của cá nhân, CSGT có được quyền gửi thông báo vi phạm về nơi công tác hay không?
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh nêu quan điểm: Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định, quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định rõ cơ quan xử phạt phải gửi thông báo cho cơ quan chủ quản của người vi phạm hoặc cho các tổ chức về những vi phạm của thành viên của mình, nhưng cũng không có quy định nào cấm việc làm này. Bản chất của việc xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trong đó có cả xử lý vi phạm về nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện cũng là hình thức xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội cũng cần được biết cán bộ, nhân viên của mình có vi phạm để có trách nhiệm nhắc nhở, uốn nắn nên việc thông báo về cho cơ quan, tổ chức sẽ có tác dụng hữu ích.
Về quy trình xử lý vi phạm hành chính, sau khi lập biên bản vi phạm giao thông, cơ quan công an sẽ ra quyết định xử phạt và gửi về địa chỉ cư trú của người vi phạm. Liên quan đến việc CSGT sẽ gửi thông báo tới cơ quan người vi phạm đang công tác để cơ quan đó xử lý theo quy định, luật sư Trương Xuân Tám cho rằng, việc làm này không trái với các quy định của pháp luật. Bởi lẽ, người vi phạm giao thông vừa bị xử phạt hành chính, vừa có thể bị xử lý nội bộ theo quy định của từng cơ quan.
Thông báo mà CSGT gửi mang tính chất thông tin cho cơ quan mà đảng viên, cán bộ, công chức đang làm việc biết được người của cơ quan mình có hành vi vi phạm gì để xử lý theo quy định nội bộ. Việc gửi văn bản thông báo trao đổi thông tin giữa hai cơ quan Nhà nước với nhau là bình thường và pháp luật không cấm.
Luật sư Trương Xuân Tám phân tích, với biện pháp mới này, khi có hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đảng viên, cán bộ, công chức còn có thể bị cơ quan nơi công tác xử lý bằng các hình thức như: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc theo Điều 79 Luật Cán bộ công chức 2008.
Đối với đảng viên, Điều 35 Điều lệ Đảng cũng quy định các hình thức xử lý kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ... Đối với cán bộ, có thể áp dụng theo Điều 78 Luật Cán bộ công chức 2008 với các hình thức kỷ luật như: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Bài, ảnh: CHƯƠNG NGUYỄN