Làm dịch vụ du lịch "chui" tại hồ Đá Xanh

Thứ Năm, 07/04/2022, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

Được phường Kim Dinh (TP. Bà Rịa) giao trông coi hồ Đá Xanh, một người dân địa phương ngang nhiên lắp đặt cầu tre, công trình tạm bợ giữa lòng hồ để làm dịch vụ tham quan, chụp hình và thu tiền.

Dịch vụ du lịch
Dịch vụ du lịch "chui" cho tham quan, chụp ảnh và thu tiền tại hồ Đá Xanh.

Hồ nước sâu, nguy hiểm

Hồ Đá Xanh (phường Kim Dinh) rộng gần 1ha và bao quanh là các mỏ đá và công trường xây dựng. Điểm chụp hình tại đây không có bảng hiệu, biển chỉ dẫn và xung quanh rào dây thép gai, cắm nhiều biển cảnh báo nước sâu, nguy hiểm. Nơi này nổi tiếng là điểm check-in sống ảo thu hút đông đảo bạn trẻ, ê kíp chụp hình đám cưới trong và ngoài tỉnh tới tham quan, chụp hình. Tuy nhiên, đây là điểm dịch vụ du lịch không phép được tổ chức trên hồ nước sâu, rất nguy hiểm.

Có mặt tại hồ Đá Xanh những ngày đầu tháng 4, phóng viên Báo Bà Rịa -Vũng Tàu ghi nhận tình hình hoạt động dịch vụ du lịch rất náo nhiệt. Ngay sát cổng vào là căn nhà tiền chế bằng mái tôn, cột sắt rộng khoảng 50m2, được dựng lên làm chỗ bán nước giải khát và trú mưa cho khách. Trên mái tôn có treo tấm bảng Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Núi Dinh, điểm chụp ảnh hồ Đá Xanh cùng với các dòng quảng cáo: phong cảnh đẹp lý tưởng có cừu, nhà cổ, thuyền hoa, cầu phao… 

Lúc phóng viên có mặt thì nhiều bạn trẻ cũng đang tham quan, chụp hình. Thấy chúng tôi đi vào, một người đàn ông hỏi thu tiền phí dịch vụ tham quan chụp hình với giá 40 ngàn đồng/người. “Mỗi người vô đây tụi tôi thu 40 ngàn đồng. Nếu ê kíp chụp hình đám cưới thì thu 250 ngàn đồng, còn dịch vụ chụp cừu lấy 300 ngàn đồng”, người này nói.

Còn một nữ nhân viên ở đây cho biết thêm: “Chúng tôi làm nghề này đã 6-7 năm nay, khách tới lai rai cũng nhiều. Riêng ngày cuối tuần khách tới rất đông”.

Theo quan sát của chúng tôi, chủ hộ kinh doanh dựng rất nhiều cầu tre, cầu phao dẫn thẳng ra giữa lòng hồ. Một số cầu không có lan can, dựng sơ sài; tre, ván lót sàn cầu nhiều chỗ bị mục, lủng và chỉ có một vài chiếc phao cho có. Để hút khách, hộ kinh doanh này còn lắp đặt thuyền hoa ra giữa lòng hồ. Họ thậm chí còn thả cả đàn cừu và tạo nhiều tiểu cảnh cheo leo bên mép hồ cho khách chụp hình.

Nhiều cầu gỗ dựng tạm bợ, sơ sài trên hồ.
Nhiều cầu gỗ dựng tạm bợ, sơ sài trên hồ.

Sẽ xử lý mạnh tay

Được biết, hồ Đá Xanh (còn gọi là hồ RMK) trước đây là mỏ đá do người Úc khai thác. Năm 1993, Sở TN-MT giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Kinh doanh khoáng sản Vinaconex (nay là Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bà Rịa-Vũng Tàu) quản lý, khai thác. Năm 2006, UBND tỉnh có quyết định thu hồi thửa đất khu vực hồ Đá Xanh và đến năm 2015, bàn giao cho TP. Bà Rịa quản lý. UBND thành phố có chủ trương đầu tư làm hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho địa phương. Thời điểm này không có ai trông coi nên nhiều người xuống tắm, câu cá và đã xảy ra nhiều vụ đuối nước.

Năm 2016, để tránh tình trạng này và giữ gìn vệ sinh hồ, đồng thời ngăn cấm các xe bồn từ các nơi khác về lấy nước (giữ mực nước trong hồ để phục vụ tưới tiêu, sản xuất), phường giao cho ông Phan Thành Lực (KP. Núi Dinh, phường Kim Dinh) trông coi. Tuy nhiên, ông này đã lắp đặt các cảnh quan trên hồ Đá Xanh để kinh doanh dịch vụ tham quan, chụp hình.

Cuối tháng 10/2016, Công an TP. Bà Rịa qua nắm thông tin người dân phản ánh và kiểm tra thực tế đã báo cáo cho Công an tỉnh về nhiều bất cập trong hoạt động kinh doanh tại hồ Đá Xanh. Theo đó, mỗi ngày tại hồ có từ 15-20 lượt khách; ngày lễ, Tết, mùa cưới thì lượng khách đông hơn. Chủ hộ kinh doanh còn quảng bá hình ảnh lên mạng xã hội, do đó lượt khách đến mỗi ngày càng đông. Việc này ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho du khách cũng như môi trường nước tại đây. Hộ kinh doanh chưa có hợp đồng sử dụng khai thác, chưa có giấy phép kinh doanh, cũng như chưa đóng thuế...

UBND TP. Bà Rịa sau đó cũng đã có văn bản chỉ đạo UBND phường làm việc và yêu cầu ông Lực tạm ngưng hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại hồ Đá Xanh. Đồng thời, đề nghị lực lượng trật tự đô thị và công an giám sát chặt khu vực này để bảo đảm ANTT, ngăn chặn việc xây dựng trái phép và sự cố về người tại hồ; đề nghị ông Lực hoàn thiện hồ sơ, pháp lý để UBND TP. Bà Rịa xem xét việc cho thuê mặt hồ kinh doanh.

Đến giữa năm 2018, Thanh tra Sở Du lịch cũng làm việc với UBND phường và thống nhất việc tạm ngưng kinh doanh dịch vụ du lịch tại hồ Đá Xanh. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Lực vẫn lén lút hoạt động, thu tiền khách tham quan.

Gần đây nhất, vào tháng 11/2021 và đầu tháng 3/2022, UBND phường Kim Dinh cũng tiến hành kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông Lực chấm dứt hoạt động tạo cảnh chụp ảnh và di dời các cầu gỗ, mái tre tôn ra khỏi khu vực hồ, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định. Thế nhưng, đến nay hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại hồ vẫn khá nhộn nhịp.

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Ngọc Hương, Chủ tịch UBND phường Kim Dinh cho biết, khi nhận bàn giao mặt bằng của hồ Đá Xanh, phường đã thực hiện cắm các biển cấm tụ tập, câu cá và tập trung đông người, cử người canh gác không cho người dân vào tắm và câu cá. Tuy nhiên, do địa phương không có lực lượng để canh gác, bảo vệ thường xuyên nên đã giao lại cho cá nhân quản lý.

“Việc hoạt động dịch vụ du lịch không phép tại hồ đã được địa phương nhiều lần kiểm tra và yêu cầu chủ cơ sở phải có giấy phép mới cho hoạt động. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý chưa được dứt điểm nên hoạt động tham quan, chụp ảnh vẫn diễn ra. Sắp tới, phường sẽ xử lý mạnh tay và kiên quyết yêu cầu chủ cơ sở nếu không có giấy phép hoạt động thì phải chấm dứt hoạt động”, bà Hương nhấn mạnh.

 Bài, ảnh: TIỂU THIÊN

;
.