Tội ác không thể dung tha

Thứ Tư, 02/03/2022, 18:29 [GMT+7]
In bài này
.

Thời gian gần đây, cả nước xảy ra nhiều vụ án xuất phát từ xích mích, mâu thuẫn nhỏ trong gia đình mà những đứa con có hành động phi nhân tính tước đi mạng sống của đấng sinh thành khiến dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ.

Đối tượng Linh đã dùng cyanua giết cha ruột.
Đối tượng Linh đã dùng cyanua giết cha ruột.

Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại vụ án con gái giết cha ruột một cách tàn bạo xảy ra tại phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa vào tháng 1 vừa qua, nhiều người rùng mình. Vụ án xảy ra bởi nguyên nhân rất đơn giản do mâu thuẫn trong quá trình sinh hoạt hàng ngày và bị cha ruột la mắng nên đối tượng nảy sinh ý định giết cha mình.

Khoảng 12 giờ ngày 18/1, Tống Thị Tùng Linh (SN 2001, trú tại TP.Bà Rịa) bắt xe đến chợ Kim Biên (TP. Hồ Chí Minh) mua 1kg chất độc cyanua với giá 500 ngàn đồng từ một người phụ nữ (chưa rõ thân nhân lai lịch) rồi bắt xe về lại nhà ở TP.Bà Rịa hòa vào chai nước để trong tủ lạnh cho ông T.H.Đ (SN 1968, cha ruột Linh) uống. Đến sáng 19/1, Linh mua cưa sắt về phá cửa nhà vệ sinh sau đó kéo thi thể ông Đ. ra phía sau tường rào nhà mình rồi mua gạch, xi măng về đắp lên thi thể nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Để dựng hiện trường giả, Linh dùng xăng đốt nhà mình rồi chạy qua nhà ông nội đưa ra thông tin gian dối rằng, có một nam thanh niên (chưa rõ nhân thân lai lịch) đột nhập vào nhà dùng tay nắm tóc kéo đầu Linh đập mạnh xuống nền. Người này nói cho Linh biết, đã giết ông Đ. để trả thù rồi phóng hỏa đốt nhà tẩu thoát. Tại cơ quan điều tra, Linh khai báo bất nhất, nhiều điểm nghi vấn... Tuy nhiên sau đó, Linh khai nhận do bị cha la mắng nên nảy sinh ý định giết cha nhằm “giải tỏa” cơn bức xúc, kìm nén kéo dài.

Sau đó ít ngày, cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang đã bắt Chau Đươnl (SN 1999, ngụ ấp Bà Đen, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) về hành vi giết người. Nạn nhân là bà N.B. (43 tuổi), mẹ của Chau Đươnl. Theo điều tra ban đầu, Chau Đươnl thường xuyên bị mẹ la mắng vì không lo làm ăn, mà tụ tập bạn bè ăn chơi. Chiều tối 25/1, Đươnl tiếp tục xảy ra mâu thuẫn với mẹ. Tức giận bị mẹ la mắng, Đươnl cầm cây kéo đến giường bà N.B đang nằm ngủ đâm nạn nhân. Người mẹ chui xuống gầm giường trốn. Lúc sau, bà N.B bỏ chạy ra ngoài bị vấp ngã, Đươnl lao đến tiếp tục đâm người mẹ nhiều nhát. Sau đó, gã còn dùng khúc gỗ đánh bà B.tử vong tại hiện trường.

Theo luật sư Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Cảnh, các bị can trong trong vụ án là người đã thành niên, sống trong môi trường xã hội có giáo dục. Tuy nhiên, sự hẹp hòi, ích kỷ, thiếu tu dưỡng đạo đức dẫn đến suy nghĩ, hành động lệch lạc. Hành vi của các bị can vi phạm khoản đ, điều 123, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017): “Giết ông bà, cha mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình”. Hình phạt của tội danh “giết người” theo điều 123, Bộ Luật hình sự là phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. 

“Dù bất cứ nguyên nhân gì, dù mâu thuẫn trong gia đình đến đâu thì hành vi giết cha, mẹ ruột vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Các bị can sẽ phải đối mặt với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: có tính chất côn đồ hoặc động cơ đê hèn, phạm tội với người mà người phạm tội có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng nên mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc”, luật sư Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.

“Nghịch tử” Chau Đươnl.
“Nghịch tử” Chau Đươnl.

Dưới góc độ tâm lý, chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn và trị liệu tâm lý Châu Á - ASIA MCC (TP. Vũng Tàu) cho biết, xung đột giữa con cái với cha mẹ có hai giai đoạn cần chú ý. Thứ nhất là giai đoạn trước 18 tuổi. Ở giai đoạn này, đối diện xung đột, mâu thuẫn với cha mẹ, nhiều trẻ có cảm giác uất ức đến mức muốn bỏ nhà đi, muốn tự tử và thậm chí có em nảy sinh suy nghĩ chống lại cha, mẹ mình. Thông thường do còn lệ thuộc nhiều vào cha, mẹ, chưa thể sống tự lập được nên các em vẫn cảm nhận được sự uy nghiêm của cha, mẹ, chưa dám hành động tiêu cực.

Tuy nhiên, sau 18 tuổi, các em có cách hành xử khác khi mâu thuẫn với cha, mẹ xảy ra. Ở độ tuổi trưởng thành thúc đẩy thanh niên có suy nghĩ, hành động quyết đoán hơn. Và nếu không có cách ứng xử đúng đắn có thể dẫn đến cãi tay đôi với cha, mẹ, phản ứng bằng vũ lực hay sát hại đấng sinh thành.

“Để ngăn ngừa những án mạng đau lòng, tổ dân phố, đoàn thể địa phương phối hợp cảnh sát khu vực chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm mâu thuẫn trong dân cư, hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình để kịp thời hòa giải ngay từ khi mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài. Bên cạnh đó, có thể trấn áp với những hành vi đe dọa nguy cơ tiềm ẩn đến tính mạng”, bà Lê Thị Lan Phương nói.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

;
.