.

Quản lý chặt hoạt động vận tải đường thủy

Cập nhật: 18:44, 03/03/2022 (GMT+7)

Sau vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại biển Cửa Đại, TP. Hội An (Quảng Nam) khiến 17 người chết, lực lượng chức năng tỉnh BR-VT đã có nhiều biện pháp bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, đặc biệt là đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch.

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho chủ các phương tiện đường thủy.
Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho chủ các phương tiện đường thủy.

Ngày 26/2, tàu du lịch số hiệu QNa-1152 của Công ty TNHH MTV Du lịch Phương Đông (TP. Hội An, Quảng Nam) chở 39 người, gồm 36 hành khách và 3 thuyền viên trên đường đi từ đảo Cù Lao Chàm vào đất liền, đến địa điểm cách Đồn Biên phòng Cửa Đại (TP. Hội An) khoảng 1 hải lý về hướng Đông thì bị lật chìm làm 17 người tử vong. Vụ tai nạn này khiến dư luận cả nước bàng hoàng và đau xót khi số người thương vong quá lớn. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo các tỉnh, thành phát triển du lịch biển, đảo không được phép lơ là, chủ quan, xem nhẹ công tác bảo đảm ATGT đường thủy.

Tại tỉnh BR-VT, theo đánh giá của Sở GT-VT và các đơn vị liên quan, các tuyến đường thủy có nhiều cửa sông, cửa biển, thường xuyên có sóng to, gió lớn nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn, nhất là trong mùa mưa bão. Báo cáo của Phòng CSGT (PC08), Công an tỉnh cũng cho thấy,  năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ TNGT đường thủy, làm 1 người chết, hư hỏng 1 vỏ lãi và 1 chân cầu.

Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng PC08 cho biết, sau vụ TNGT đường thủy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Nam, Cục Cảnh sát giao thông đã có công điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa. 

Đối với địa bàn tỉnh, PC08 thời gian tới sẽ tăng cường tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường thủy. Đồng thời, phối hợp với Thanh tra giao thông, chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến giao thông đường thủy. Trong đó, chú trọng kiểm tra điều kiện hoạt động của cảng, bến thủy nội địa có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách; điều kiện hoạt động của phương tiện, thuyền viên; điều kiện kinh doanh vận tải; phương án cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.

"Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn như: chở quá số người quy định; thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định", Đại tá Lê Văn Ninh nhấn mạnh.

Cùng với các biện pháp trên, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa cho chủ phương tiện và người tham gia giao thông thủy trên địa bàn cũng như cách xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc TNGT đường thủy. Phòng CSGT sẽ phối hợp với chính quyền các địa phương, Thanh tra giao thông tích cực tuyên truyền, vận động chủ phương tiện, lái tàu, hành khách tuân thủ nghiêm các quy định; tích cực tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm theo Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Lãnh đạo Sở GT-VT cũng cho biết, ngay sau vụ tai nạn nghiêm trọng trên, Bộ GT-VT đã có công điện chỉ đạo Sở GT-VT các địa phương tăng cường siết chặt hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường thủy. Thực hiện chỉ đạo trên, Sở GT-VT sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng phương tiện, nhất là phương tiện chở khách từ bờ ra đảo, phương tiện thủy phục vụ các lễ hội, tàu cao tốc. Sở GT-VT cũng kiểm tra việc chấp hành quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trên đường thủy nội địa, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

Tỉnh BR-VT có 110km đường thủy nội địa với hơn 60 cảng, bến thủy nội địa và 21 luồng sông, rạch; có phương tiện thủy thường xuyên lưu thông trên các sông Dinh, Thị Vải, Cửa Lấp, Chà Và…  và hơn 2.000 phương tiện thủy đang hoạt động. Trong đó, tổng số phương tiện tàu, thuyền đăng ký tham gia vận chuyển hành khách đường thủy là gần 300 chiếc.

 

.
.
.