Thả rong gia súc gây tai nạn giao thông bị xử lý ra sao?
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ tai nạn giao thông (TNGT), mà nguyên nhân do phương tiện đụng phải bò, trâu... trên đường. Nhiều bạn đọc thắc mắc về trách nhiệm pháp lý của chủ gia súc trong trường hợp vật nuôi thả rông gây tai nạn. Nội dung này được Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT cho biết như sau:
Gia súc thả rông trên đường 2/9 TP.Vũng Tàu. |
Thực tế, trên nhiều tuyến đường, đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông chạy qua các vùng nông thôn, tình trạng thả rông gia súc thường xảy ra và gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Đã có không ít vụ TNGT do việc thả rông hoặc dẫn dắt gia súc qua đường như trâu, bò không tuân thủ luật giao thông gây ra. Điển hình, trong tháng 2/2022 trên địa bàn TX.Phú Mỹ xảy ra một vụ TNGT hy hữu và “thủ phạm” gây tai nạn là… một con bò. Cụ thể, anh N.V.H (SN 1983, trú tại tỉnh Nam Định) điều khiển xe mô tô biển số 18L-31432 lưu thông trên đường 965. Khi đến đoạn đường thuộc Km7+600, KP.Tân Lộc, phường Phước Hòa thì tông vào con bò đang đi qua đường. Hậu quả, anh H. tử vong.
Với những trường hợp vật nuôi, súc vật thả rông gây tai nạn, pháp luật hiện hành đã có những quy định xử phạt rất rõ ràng. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới” (Khoản 2, Điều 34). Bên cạnh đó, Khoản 2, Điều 35 nêu ra một trong số những hành vi không được thực hiện là: “Thả rông súc vật trên đường bộ”.
Do vậy, nếu người chủ đàn gia súc có các hành vi như: Điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường của xe cơ giới hoặc để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng. Còn đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật đi vào đường cao tốc trái quy định sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Trong trường hợp chủ gia súc thả gia súc hoặc dẫn dắt gia súc đi trên đường gây TNGT chết người thì người chủ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Trong trường hợp không xảy ra thiệt hại về tính mạng con người nhưng khiến cho người tham gia giao thông tổn hại về sức khoẻ do hành vi thả rông súc vật gây ra, chủ súc vật thả rông phải bồi thường các chi phí theo quy định tại Điều 590, Bộ luật dân sự năm 2015 gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
Ngoài những chi phí trên, người chủ đàn gia súc còn phải bồi thường những chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần cho nạn nhân. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trong trường hợp chủ đàn súc vật thả rông không gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ cho người khác nhưng gây ra thiệt hại về tài sản thì sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 589, Bộ Luật dân sự năm 2015, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; Thiệt hại khác do luật quy định.
PHƯƠNG ANH