Việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng chất ma tuý, rượu bia tham gia giao thông là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng. Do đó, Bộ Công an chỉ đạo Cục CSGT, lực lượng CSGT công an các địa phương “tăng cường kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn”, trong năm 2022. Thời gian bắt đầu thực hiện từ 1/3 đến 31/12.
Lực lượng CSGT-Công an TP.Vũng Tàu kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tại đường 30/4. |
Theo kế hoạch vừa được Bộ Công an ban hành, Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT thuộc Cục và CSGT Công an các đơn vị, địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện thành lập tổ công tác chuyên đề để thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao.
Lực lượng CSGT khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ, khuyến cáo của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác sử dụng thiết bị… Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm pháp luật khác; đánh giá đúng thực trạng người điều khiển xe sử dụng chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích khác nhằm đưa ra biện pháp quản lý, góp phần kiềm chế, giảm TNGT, đặc biệt là các vụ tai nạn có nguyên nhân trực tiếp từ vi phạm nồng độ cồn, ma túy.
Trường hợp kiểm soát, phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy, cần xác minh, để phát hiện các tình tiết, tài liệu, tang vật, đồ vật, dụng cụ sử dụng, chất ma túy; ghi nhận lời khai việc sử dụng chất ma túy. Khi xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn, lực lượng CSGT toàn quốc phải kiểm tra, rà soát trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính của đơn vị, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính để phát hiện các trường hợp tái phạm, áp dụng xử phạt tình tiết tăng nặng theo quy định của pháp luật.
Các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy trong khi điều khiển phương tiện phải tổ chức kiểm tra, xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã, phường nơi người đó làm việc, cư trú, có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy; kiến nghị với ngành GTVT có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Từ ngày 15/12/2021, đến hết ngày 14/2/2022, cả nước xảy ra 1.974 vụ TNGT, làm 1.185 người tử vong, 1.260 người bị thương. Lực lượng CSGT toàn quốc cũng đã xử lý 414.822 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 460 tỷ đồng; tước 37.243 GPLX và chứng chỉ chuyên môn các loại; tạm giữ 71.243 phương tiện. Trong đó, riêng vi phạm nồng độ cồn là 27.004 trường hợp, dương tính với ma túy 225 trường hợp. Thu nộp về Kho bạc Nhà nước 460.719 triệu đồng. |
Lực lượng CSGT kiểm soát tại các tuyến giao thông chính trong đô thị, cao tốc, quốc lộ trọng điểm, các tuyến vận tải hành khách du lịch, hàng hóa, tuyến đường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, đường tỉnh, huyện, liên xã; tuyến, địa bàn giáp ranh, địa bàn gần nơi xe xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi, khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn, khu vực phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy. Tập trung kiểm soát người điều khiển xe mô tô, ô tô, xe khách, xe tải, xe container, xe kéo rơ-moóc.
Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, CSGT chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại... Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định.
Trung tá Phạm Văn Khánh, Đội trưởng Đội tuyên truyền và xử lý TNGT, thuộc Phòng CSGT-Công an tỉnh cho biết, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng ma túy hay các chất kích thích khác rất dễ bị hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát, điều khiển phương tiện. Qua khám nghiệm hiện trường các vụ TNGT nghiêm trọng phần lớn người điều khiển phương tiện đã sử dụng chất kích thích.
Do đó, việc tuyên truyền bảo đảm TTATGT là việc làm xuyên suốt. Đặc biệt, trước mỗi đợt cao điểm lực lượng CSGT chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân; tuyên truyền những vụ TNGT có nguyên nhân từ sử dụng chất ma túy, rượu bia và chất kích thích khác; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với vi phạm này; tạo dư luận đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia giao thông.
Bài, ảnh: PHƯỚC AN