Chiếm lại nhà vừa cưỡng chế thi hành án, phạm tội gì?
Thời gian qua, tình trạng tái chiếm tài sản sau khi thi hành án diễn ra khá phổ biến tại một số địa phương trong tỉnh. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án, gây bức xúc cho người dân và mất an ninh trật tự.
Căn nhà thuộc sở hữu của ông Vũ bị bà Nguyệt chiếm giữ gần 1 năm nay nhưng chưa bị xử lý. |
SÁNG BÀN GIAO, CHIỀU CHIẾM LẠI
Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trương Xuân Vũ (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) cho biết, giữa ông và vợ (đã ly hôn) là bà Nguyễn Thị Nguyệt có tranh chấp thửa đất 68, tờ bản đồ số 13 (tại phường Tân Phước, TX. Phú Mỹ). Khi vợ chồng ông ly hôn, TAND TX. Phú Mỹ xác định thửa đất trên là tài sản riêng của ông và giao cho ông quyền sử dụng, sở hữu. Thửa đất rộng 381m2, trên đất có 1 căn nhà cấp 3, 2 căn nhà cấp 4 (xây theo kiểu phòng trọ). Sau khi bản án có hiệu lực, bà Nguyệt không chịu giao trả nhà đất cho ông Vũ. Do đó, ông Vũ khởi kiện ra tòa án.
Tại bản án sơ thẩm số 38/2019/DSST ngày 28/11/2019, TAND TX. Phú Mỹ tuyên buộc bà Nguyệt giao trả quyền sử dụng thửa đất trên cho ông Vũ nhưng bà Nguyệt không tự nguyện thực hiện. Vì vậy, ngày 24/6/2020, Chi cục Thi hành án dân sự TX. Phú Mỹ đã tổ chức cưỡng chế để giao tài sản cho ông Vũ. Tại buổi cưỡng chế, bà Nguyệt vắng mặt, cửa nhà đóng kín. Cơ quan thi hành án dân sự TX. Phú Mỹ buộc phải phá cửa để thực hiện thi hành án theo quy định. Đến ngày 25/6, cán bộ thi hành án cùng cán bộ phường tháo niêm phong đồ đạc của bà Nguyệt để kiểm tra, sau đó bà Nguyệt đã ký vào biên bản của cơ quan thi hành án là đã nhận đủ tài sản. Nội dung biên bản cũng thể hiện bà Nguyệt đồng ý trả lại căn nhà cho ông Vũ nhưng xin cho thêm thời gian để dọn đồ đạc ra khỏi nhà và được ông Vũ đồng ý. “Chiều cùng ngày, tôi đến để lấy lại nhà thì bà Nguyệt không chịu bàn giao. Đến nay, bà Nguyệt vẫn chiếm giữ trái phép nhà của tôi, khiến quyền lợi của tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Vũ bày tỏ.
LÚNG TÚNG TRONG XỬ LÝ
Sau khi bà Nguyệt chiếm lại căn nhà, ông Vũ đã báo cho công an phường, nhiều lần gửi đơn lên UBND phường Tân Phước, Công an TX. Phú Mỹ và Cơ quan Thi hánh án dân sự địa phương nhờ xem xét giải quyết nhưng không được. Từ đó đến nay đã gần 1 năm trôi qua, ông Vũ vẫn chưa thể lấy lại căn nhà thuộc quyền quản lý của mình.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Lại Anh Thắng, Cục phó Cục thi hành án tỉnh cho biết, về bản chất, vụ việc này đã kết thúc thi hành án. Do đó, trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự đã hết. “Người đã nhận tài sản có quyền đề nghị UBND cấp xã nơi có tài sản yêu cầu người chiếm lại tài sản trả lại cho mình. Nếu người chiếm lại tài sản không trả thì người nhận tài sản có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật”, ông Thắng thông tin.
Về phía địa phương, ông Bùi Chí Lãm, Chủ tịch UBND phường Tân Phước cho hay, địa phương chỉ có thể tiến hành hòa giải nhưng không thành do bà Nguyệt không hợp tác nên đã hướng dẫn ông Vũ gửi đơn lên Công an TX. Phú Mỹ để được giải quyết theo quy định.
Trong khi đó, Công an TX. Phú Mỹ cho rằng, ông Vũ mở cửa cho bà Nguyệt vào lấy đồ, chứ bà Nguyệt không tự ý mở cửa vào nhà hay có hành vi hù dọa, đánh đuổi ông ra khỏi nhà để chiếm giữ căn nhà. Vì vậy, cơ quan này nhận thấy bà Nguyệt không có dấu hiệu phạm tội nên không có cơ sở để khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của ông Vũ.
Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh) phân tích: Đối chiếu với hành vi của bà Nguyệt thì tài sản bị chiếm đoạt ở đây là thửa đất và 1 căn nhà cấp 3, 2 căn nhà cấp 4. Tài sản này đã thuộc quyền sở hữu của ông Hoàng Xuân Vũ. Bà Nguyệt không có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với tài sản đã giao cho ông Vũ. Khi được UBND phường hòa giải, bà Nguyệt không hợp tác, chứng tỏ sự chây ỳ, cố tình của bà Nguyệt trong việc chiếm đoạt tài sản của người khác. “Từ những phân tích nêu trên, theo tôi hành vi của bà Nguyệt đã đủ yếu tố cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 172, Bộ Luật Hình sự. Pháp luật cần xử lý nghiêm để răn đe, tránh trường hợp người phải thi hành án tái chiếm trong thời gian dài mà không bị xử lý, dẫn đến việc xem thường pháp luật và pháp luật cũng mất đi tính thượng tôn, nghiêm minh”, Luật sư Thịnh Đình Quang nói.
Bài, ảnh: THANH HẢI