.

Trách nhiệm của chủ khi vật nuôi làm chết người?

Cập nhật: 21:58, 28/05/2021 (GMT+7)

Tình trạng chăn thả gia súc, vật nuôi như trâu, bò, chó... trên đường giao thông, nơi công cộng còn khá phổ biến. Trên thực tế, một số trường hợp gia súc, vật nuôi chăn thả gây hậu quả nghiêm trọng là tai nạn giao thông, thậm chí có trường hợp chó cắn chết người. Trong những trường hợp này, trách nhiệm của chủ vật nuôi như thế nào?

Nghị định 04/2020 (có hiệu lực từ ngày 18/2/2020) quy định đối với một trong các hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Trong ảnh: Chó thả rông trong khu dân cư nhưng không rọ mõm.
Nghị định 04/2020 (có hiệu lực từ ngày 18/2/2020) quy định đối với một trong các hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Trong ảnh: Chó thả rông trong khu dân cư nhưng không rọ mõm.

Từ vụ việc “chó pitbull tấn công chủ, cắn chết người trong quán cà phê” gây xôn xao ở Long An những ngày qua, nhiều ý kiến thắc mắc về việc chủ vật nuôi sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào nếu vật nuôi gây tai nạn giao thông làm người khác bị thương, gây chết người hoặc cắn chết người.

CHỦ VẬT NUÔI PHẢI BỒI THƯỜNG

Luật sư Trương Xuân Tám, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT phân tích, trường hợp này căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nếu hậu quả nghiêm trọng, sẽ căn cứ Bộ luật Hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự chủ vật nuôi. Theo đó, hành vi của chủ sở hữu hoặc người thứ 3 sử dụng thú dữ (cụ thể là chó) nhưng không xích giữ, không buộc mõm chó để vật nuôi gây nguy hại cho người khác sẽ phải bồi thường theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015.

Về phạt hành chính: Nghị định 04/2020 (có hiệu lực từ ngày 18/2/2020) quy định một trong các hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi cho ra nơi công cộng bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng. Về dân sự, áp dụng Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Cụ thể, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

VÀ CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

Ngoài xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại, chủ vật nuôi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật nuôi gây ra hậu quả chết người hoặc cắn chết người. Luật sư Trương Xuân Tám, phân tích: Nếu súc vật làm chết người thì chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 128, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vô ý làm chết người. Theo đó, người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Trường hợp chăn thả súc vật ra đường, khiến xe cộ, người tham gia giao thông hoảng loạn, gây tai nạn chết người, thì có thể áp dụng Điều 295 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người. Theo đó, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100 đến dưới 500 triệu đồng.

“Như vậy, trong trường hợp người chủ nuôi chó, dẫn chó ra nơi công cộng không thực hiện các quy định như không đeo rọ mõm làm chó cắn chết người thì có thể bị phạt hành chính, bồi thường thiệt hại cho gia đình người chết hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, Luật sư Trương Xuân Tám cho biết.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

.
.
.