Trước những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra với học sinh, bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào cũng đều trăn trở suy nghĩ làm gì để đường đến trường với con em mình an toàn hơn. Đó thực tế, cũng là nỗi lo lắng chung của toàn xã hội.
CSGT Công an TP.Vũng Tàu tuyên truyền ATGT cho học sinh Trường TH Thắng Nhì (TP.Vũng Tàu). |
Vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ TNGT khiến 2 nữ sinh tử vong xảy ra tại đường Mỹ Xuân - Hòa Bình (TX.Phú Mỹ) vào cuối tháng 11/2020, anh Trần Văn Định, trú tại phường Hắc Dịch cho biết, đoạn đường này có nhiều xe tải lưu thông, trong đó có rất nhiều người chạy ẩu. “Tôi nghĩ, nếu cơ quan chức năng không vào cuộc xử lý nghiêm lái xe chạy quá tốc độ, thì tai nạn tương tự như vậy sẽ tiếp tục diễn ra”, anh Định lo lắng.
Vụ tai nạn mà anh Định đề cập đến xảy ra với em N.T.Y.N (SN 2005, HS lớp 10A4 của Trường THPT Hắc Dịch) và em N.V.X.Q khi cả hai đang chở nhau bằng xe máy đến trường. Xe máy của 2 em đã vướng vào xe tải đang vượt lên (tài xế là Nguyễn Văn Đoàn, SN 1982) làm cả hai ngã xuống và bị cuốn vào bánh sau xe tải, dẫn đến tử vong.
Ông Ngụy Như Sơn, Chủ tịch UBND phường Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) nói: “Đó là vụ tai nạn quá thương tâm. Con đường xảy ra vụ tai nạn lòng đường hẹp và là đường 2 chiều, lưu lượng phương tiện qua lại rất đông, trong đó có nhiều học sinh đi về. Chúng tôi rất lo lắng về tình hình giao thông ở khu vực này. Trước mắt, chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền ATGT trong trường học trên địa bàn. Phường cũng sẽ liên hệ với các trường bố trí lực lượng điều tiết, hướng dẫn phụ huynh, học sinh các giải pháp bảo đảm an toàn, nhất là phía trước cổng trường”, ông Sơn nói.
Cũng trong tháng 11/2020, một vụ tai nạn khác đã làm 1 HS bị thương nặng. Vụ tai nạn xảy ra tại điểm giao đường 30/4 và đường Lê Quang Định (TP.Vũng Tàu). Em L.H.Y. (HS lớp 6.1 Trường THCS Võ Trường Toản, TP.Vũng Tàu) đang đạp xe đến trường thì xảy ra va chạm với xe tải từ phía sau. Vụ tai nạn làm em L.H.Y. bị thương nặng, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.Hồ Chí Minh).
Hiện các vụ tai nạn kể trên đều đang được điều tra, xử lý. Và dù đúng sai thế nào, thì hậu quả cũng đã quá đau đớn. Sau cảm giác bàng hoàng vì những vụ tai nạn đó, bất cứ ai cũng đều mong muốn con đường đến trường với học sinh trong tương lai sẽ trở nên an toàn hơn. Nhưng liệu mong muốn có thể trở thành hiện thực? Phải giải quyết vấn đề gì để đường đến trường thực sự an toàn hơn với các em?
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phạm Văn Tĩnh, Đội Tuyên truyền và xử lý TNGT thuộc Phòng CSGT (PC08)-Công an tỉnh nêu lên một thực trạng: Hiện nay, nhiều gia đình sắm xe đạp, xe máy điện, xe máy dưới 50cm3 cho con em đến trường. Các loại xe này có thể chạy với tốc độ khá cao nhưng lại không gắn gương chiếu hậu. Thêm vào đó, rất ít học sinh sử dụng xi nhan mỗi khi qua đường. Chưa kể, ở lứa tuổi các em, kỹ năng đi đường và kinh nghiệm nhận biết nguy cơ va chạm còn rất hạn chế. Do đó, trong điều kiện có thể, phụ huynh nên đưa đón con em đi học. Còn không, phải tích cực hướng dẫn, uốn nắn các em tuân thủ pháp luật, cẩn thận nhìn trước ngó sau khi sang đường, qua các điểm giao nhau.
Để cảm nhận rõ hơn những nỗi lo lắng về tai nạn giao thông ở tuổi học đường, chúng tôi đã theo chân một số học sinh tại các trường THCS, THPT trên địa bàn. Và trong suốt quãng đường theo chân, chúng tôi đã phải liên tục nhắc nhở các em về việc đi sai làn, đi dàn hàng ngang, qua đường không xi nhan… Thậm chí, trong suốt quá trình theo chân, không ít lần chúng tôi thảng thốt vì học sinh vừa ra khỏi trường đã phóng xe băng cắt một cách bất thình lình... Sau một cuộc khảo sát nhỏ, điều chúng tôi có thể chắc chắn, là chừng nào kỹ năng lái xe và tham gia giao thông của học sinh còn chưa được cải thiện, thì nguy cơ cao về tai nạn xảy đến với các em vẫn luôn tiềm ẩn.
“Chúng tôi nhận biết rất rõ về trách nhiệm phải nâng cao hơn nữa kỹ năng lái xe an toàn cho học sinh. Vào đầu năm học, PC08 và CSGT các địa phương luôn có chương trình phối hợp với các nhà trường để tuyên truyền về pháp luật giao thông, kỹ năng lái xe an toàn… Nhưng để đạt hiệu quả cao hơn, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền trong nhà trường, chúng tôi mong rằng, các bậc phụ huynh phải chú ý giáo dục, uốn nắn và chỉ bảo tận tình cho các em. Các ông bố, bà mẹ mỗi khi ra đường cùng con, hãy chỉ cho con biết đi thế nào là đúng, chỗ cua nào nguy hiểm, lối đi nào bị khuất tầm nhìn… Đó là những cách thiết thực nhất để hoàn thiện kỹ năng tham gia giao thông cho các em”, Trung tá Phạm Văn Tĩnh chia sẻ một cách thiết thực.
Đối với một số giải pháp kỹ thuật, ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT, Phó Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh sẽ phối hợp với Ban ATGT các huyện, thành phố, thị xã khảo sát kỹ lưỡng các trường học nằm sát mặt đường để lắp đặt biển báo, làm gờ giảm tốc và bố trí giao thông một cách phù hợp, hạn chế nguy cơ tai nạn xảy ra.
Bài, ảnh: TRÍ NHÂN