Nhức nhối vấn nạn mua bán người
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người nói chung và mua bán phụ nữ, trẻ em nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp; tính chất và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, có tính xuyên quốc gia. Nạn nhân của loại tội phạm này bị bóc lột về thể chất, khủng hoảng về tinh thần và để lại di chứng nặng nề. Mua bán người đã trở thành vấn nạn, một tội ác gây bức xúc trong cộng đồng xã hội.
Chị Hoàng Thị Nghiêm - nạn nhân tội phạm mua bán người đang được nhân viên y tế Trung tâm Xã hội tỉnh chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý. Ảnh: HỒNG THANH |
NẠN NHÂN CHỦ YẾU LÀ PHỤ NỮ
Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 5 trường hợp mua bán người, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Riêng từ đầu năm đến nay, có 3 trường hợp nạn nhân của tội phạm mua bán người ra nước ngoài được các lực lượng chức năng giải cứu, chăm sóc, hỗ trợ để họ sớm hòa nhập cộng đồng.
Ông Trần Thanh Hồng, Giám đốc Trung tâm Xã hội tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang nuôi dưỡng, chăm sóc chị Hoàng Thị Nghiêm (Liêm, sinh ngày 20/10/1980) là nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đưa sang Trung Quốc từ năm 8 tuổi. Sau 31 năm bị bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, chị Nghiêm và 1 người phụ nữ cùng cảnh ngộ tìm cách trốn thoát qua cửa khẩu Đông Hưng - Trung Quốc trở về Việt Nam vào ngày 20/5. Sau đó, chị Nghiêm sống lang thang tại TP.Vũng Tàu. Đến ngày 6/6, Trung tâm Xã hội tỉnh tiếp nhận chị Nghiêm do Phòng LĐ-TB-XH TP.Vũng Tàu bàn giao.
Được Trung tâm Xã hội tỉnh tiếp nhận, đưa đi chữa trị tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 Biên Hòa, chăm sóc và nuôi dưỡng tốt, chị Nghiêm dần ổn định tâm lý, nói tiếng Việt thành thạo hơn và cung cấp thêm nhiều thông tin liên quan đến người thân trong gia đình. Qua nhiều hình thức kết nối thông tin tìm người thân cho chị Nghiêm, ngày 23/7, có một số người tìm đến Trung tâm Xã hội tỉnh để nhận chị Nghiêm là người thân. Nhưng theo kết quả giám định ADN tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 31/7 kết luận những người này không có quan hệ huyết thống với chị Nghiêm. “Trung tâm hiện đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh BR-VT và các tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình là quê nội, ngoại chị Nghiêm theo lời kể của chị để tìm người thân cho chị sớm được sum hợp gia đình, tái hòa nhập cộng đồng”, ông Trần Thanh Hồng cho hay.
Một trường hợp khác, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang mở rộng điều tra, xác minh làm rõ vụ Trần Văn Hải (SN 1994, HKTT: Bến Tre) liên quan đến đường dây lừa bán người vào quán karaoke tại TP.Vũng Tàu để hoạt động mại dâm. Thông tin ban đầu cho biết, vào khoảng tháng 3/2019, thông qua các mối quan hệ xã hội và mạng xã hội, chị N.T.N. (ngụ BR-VT) có quen một người đàn ông tên Hải làm nghề môi giới thuyền viên đi biển tại BR-VT. Sau 1 tuần quen biết, Hải đón chị N. đến TP.Vũng Tàu chơi và đưa vào nhà nghỉ và ép quan hệ tình dục. Sau đó, Hải đã dụ dỗ và lừa bán chị N. cho một quán karaoke để hoạt động mại dâm. Tại quán karaoke này, chị N. đã bị chủ quán ép bán dâm cho khách từ 1-5 lần/ngày. Đến ngày 28/6, chị N. bỏ trốn khỏi quán karaoke và trình báo sự việc với lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh.
Ngay sau khi nhận được tin tố giác, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ. Căn cứ vào lời khai của người bị hại và chứng cứ thu thập được, ngày 29/7, BĐBP tỉnh đã ra lệnh bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với Trần Văn Hải về hành vi mua bán người. Ngày 31/7, BĐBP tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời bàn giao đối tượng, hồ sơ, tang vật vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Thống kê của Bộ Công an cho biết, từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, trên phạm vi cả nước đã phát hiện hơn 1.000 vụ mua bán người với gần 1.500 đối tượng mua bán hơn 2.600 nạn nhân, trong đó phụ nữ và trẻ em chiếm hơn 90%. Đáng chú ý, có 892 vụ mua bán người sang Trung Quốc với 1.187 đối tượng tham gia, đã lừa bán 2.319 nạn nhân. |
Trước đó, đầu tháng 4/2019, chị V. (18 tuổi, ngụ huyện Long Điền) đã bị chính mẹ ruột là Nguyễn Thị H. (41 tuổi, trú tại huyện Long Điền) nghe theo lời ngon ngọt của Nguyễn Thị Mỹ Trang (53 tuổi, trú tại huyện Long Điền) đồng ý đánh đổi lấy vật chất để cho con mình sang Trung Quốc lấy chồng. Theo đó, ngày 14/4, chị V. được kẻ môi giới đưa đi xuất cảnh. Nhưng chỉ một tháng sau khi “bị gả” lấy người chồng Trung Quốc lớn hơn mình nhiều tuổi, chị V. thường xuyên bị chồng bạo lực tình dục, bị đánh đập, bắt làm việc quần quật suốt ngày. Không chịu nổi cảnh này, chị V. lén gọi điện thoại cho mẹ nhờ Công an Việt Nam giúp đỡ, giải thoát. Nhận tin báo, ngày 14/5, các lực lượng chức năng của Công an Việt Nam phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu chị V. đưa về nước an toàn. Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh BR-VT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thị H. và Nguyễn Thị Mỹ Trang để điều tra, xử lý hành vi mua bán người.
NGHIÊM TRỊ TỘI PHẠM
Ông Phạm Đình Cúc, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đấu tranh với tội phạm mua bán người. Cụ thể, Luật Phòng, chống mua bán người (số 66/2011/QH12, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012) nghiêm cấm các hành vi: Mua bán; Chuyển giao, hoặc tiếp nhận; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”.
Gần đây, Bộ luật Hình sự (số 01/VBHN-VPQH có hiệu lực từ 1/1/2018) quy định xử phạt nặng tội mua bán người, tùy hành vi và trường hợp phạm tội cụ thể, sẽ bị xử phạt tù từ 5-20 năm; Phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi, bị xử phạt tù từ 7-20 năm, hoặc tù chung thân. “VKSND tỉnh đã và đang phối hợp tốt với các cơ quan bảo vệ pháp luật, lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm xảy ra trên địa bàn. Trong đó, tội phạm mua bán người cần phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định pháp luật”, ông Phạm Đình Cúc nhấn mạnh.
Cùng với việc hoàn thiện chính sách pháp luật, Nhà nước cũng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp về kinh tế, xã hội; tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống nhà trường và trong cộng đồng về phòng chống tội phạm; hỗ trợ nạn nhân tội phạm mua bán người hòa nhập cộng đồng; đẩy mạnh các chương trình Quốc gia về xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới... Đồng thời, tăng cường phối hợp với các nước láng giềng như Trung Quốc, Campuchia, Lào, Thái Lan và hợp tác với các tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), Dự án Liên minh các tổ chức Liên hợp quốc về phòng, chống buôn bán người (UNIAP), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), … để triển khai nhiều hoạt động tích cực liên quan tới phòng, chống mua bán người.
Theo các chuyên gia tư vấn tâm lý và sức khỏe, thực tế cho thấy, hành vi mua bán người để lại hậu quả nặng nề cho hầu hết các nạn nhân, trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Bởi, khi trở về với cộng đồng, sức khỏe của họ giảm sút do bị ép buộc lao động nặng nhọc, làm việc trong môi trường độc hại, bị giam giữ, đánh đập, tra tấn đến mang thương tích, cố tật; nhiều người còn bị bóc lột tình dục, bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác; Tinh thần hoảng loạn, không ổn định dẫn đến ức chế tâm lý, trầm cảm. Nhiều trường hợp để lại di chứng cả về sức khỏe và tinh thần suốt cuộc đời còn lại của nạn nhân. Do đó, mua bán người là hành vi độc ác, mất nhân tính, cần phải được cộng đồng xã hội lên án, đồng lòng đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn và nghiêm trị thích đáng loại tội phạm này.
GIA BẢO