.

Ngăn chặn "thần chết" gây hại sau chiến tranh

Cập nhật: 20:08, 26/07/2019 (GMT+7)

Trong nhiều năm qua, lực lượng công binh, kỹ thuật của tỉnh đã không quản vất vả, hiểm nguy để rà phá, thu gom, xử lý bom, mìn, đạn pháo còn sót lại sau chiến tranh. Qua đó, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các loại bom mìn, đạn pháo được lực lượng công binh, kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh thu gom về Trường bắn Tam Phước (huyện Long Điền).
Các loại bom mìn, đạn pháo được lực lượng công binh, kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh thu gom về Trường bắn Tam Phước (huyện Long Điền).

Ngày 17/7 vừa qua, Đại đội Công binh 46 - Phòng Tham mưu Bộ CHQS tỉnh đã tháo gỡ an toàn quả đạn pháo 130mm, nặng khoảng 30kg còn sót lại từ chiến tranh, đang nằm dưới nền nhà của một hộ dân tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. Quả đạn pháo này được phát hiện trong khi gia đình bà Vương Thị Minh (thôn 1, xã Long Sơn) làm ống thoát nước.

Trước đó, ngày 11/7, khi đang khai thác đá trên địa bàn xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ, công nhân đã phát hiện 1 quả bom lớn và báo cho lực lượng chức năng. Qua khảo sát, lực lượng công binh xác định đây là quả bom phá nặng 300kg, còn sót lại sau chiến tranh chống Mỹ. Sau đó, cán bộ, chiến sĩ Đại đội Công binh 46 và Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức tháo gỡ an toàn quả bom này. Cùng ngày, lực lượng này cũng tháo gỡ an toàn 1 quả bom phá nặng 300kg khác tại khu vực Trường bắn Lam Sơn (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ).

Chúng tôi đến Trường bắn Tam Phước (huyện Long Điền) một ngày cuối tháng 7, đúng lúc cán bộ, chiến sĩ công binh đang vận chuyển các loại bom, mìn sau khi tháo gỡ, thu gom đưa về bãi tập kết. Trời mưa lất phất khá mát mẻ, nhưng mồ hôi vẫn nhễ nhại trên khuôn mặt, lưng áo các cán bộ, chiến sĩ. Ai nấy đều tập trung cao độ và cẩn trọng trong từng động tác di chuyển, sắp xếp những “thần chết” đã trải qua nhiều năm nằm trong lòng đất, bởi chỉ một sai sót nhỏ, chúng vẫn có thể “thức giấc”, bị kích nổ dẫn đến hậu quả khôn lường. Các loại bom, mìn, đạn pháo này sau khi thu gom được vận chuyển về đây lưu giữ tạm thời, sau đó đưa đi tiêu hủy tại Trường bắn Quốc gia khu vực 3 (tỉnh Đồng Nai).

Thở phào nhẹ nhõm sau khi cùng đồng đội tháo dỡ, di chuyển quả bom phá nặng 300kg, đồng thời sắp xếp lại bom mìn vào vị trí an toàn, Trung sĩ Võ Quốc Cường - Đại đội Công binh 46 chia sẻ: “Mặc dù đã trải qua quá trình huấn luyện về lý thuyết và thực hành thuần thục các thao tác, kỹ năng tháo gỡ bom, mìn, nhưng chúng tôi không tránh khỏi cảm giác “lạnh gáy” khi đối mặt với những quả bom lớn, vật liệu nổ mới gặp lần đầu. Đây là những mối nguy hiểm tiềm ẩn, đòi hỏi phải hết sức thận trọng khi xử lý, tháo gỡ. Nếu xảy ra sơ suất, không chỉ nguy hiểm bản thân, mà có khi còn ảnh hưởng tới người dân xung quanh khu vực”.

Lực lượng công binh Bộ CHQS tỉnh vận chuyển bom mìn đưa đi tiêu hủy.
Lực lượng công binh Bộ CHQS tỉnh vận chuyển bom mìn đưa đi tiêu hủy.

Đại úy Phạm Hợi, Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh cho biết, những người làm công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ đều được trải qua các lớp đào tạo, nắm rõ cấu tạo, nguyên lý nổ và quy trình các bước tháo gỡ. Dù vậy, khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải luôn tập trung, tỉ mỉ trong từng động tác và đặc biệt là chấp hành nghiêm mệnh lệnh của chỉ huy. “Nhờ vậy, thời gian qua, chúng tôi chưa để xảy ra sự cố nào nghiêm trọng, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện khi tháo gỡ, tập kết, vận chuyển bom mìn, vật liệu nổ đi tiêu hủy”, Đại úy Phạm Hợi cho hay.

Theo Bộ CHQS tỉnh, số lượng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều, trong đó tập trung ở những nơi trước đây có căn cứ của địch và các khu vực diễn ra các trận đánh ác liệt, như các xã: Tân Lâm, Bàu Lâm, Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), Láng Dài, Long Tân, Lộc An (huyện Đất Đỏ), Sông Xoài, phường Phước Hòa (TX. Phú Mỹ)… Những năm qua, trung bình mỗi năm lực lượng công binh địa phương dã thu gom và xử lý khoảng 4 tấn bom mìn, vật liệu nổ các loại. Riêng từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng công binh, kỹ thuật thuộc Bộ CHQS tỉnh đã thu gom và xử lý khoảng 2,5 tấn bom, mìn, vật liệu nổ cấp 5 (cấp nguy hiểm). 

Đại tá Nguyễn Tâm Hùng, Chỉ huy Phó - Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, khuyến cáo: Để tránh những tai nạn sát thương đáng tiếc liên quan đến bom mìn, khi phát hiện các vật thể nghi ngờ là vũ khí, vật liệu nổ, người dân phải báo ngay cho cơ quan chức năng xác định, xử lý. Các cơ sở ve chai trong quá trình thu mua phế liệu, nếu phát hiện khối kim loại nào nghi ngờ là bom, đạn thì tuyệt đối không được cắt, phá bán sắt vụn mà phải báo ngay cho cơ quan quân sự cấp xã, huyện để thu gom, xử lý. Mặt khác, các đơn vị, DN trước khi xây dựng công trình, khởi công thực hiện dự án, cần liên hệ với Bộ CHQS tỉnh để tổ chức lực lượng rà soát xem có bom mìn, vật liệu nổ ở phía dưới lòng đất hay không, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện khi tổ chức thi công công trình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

.
.
.