.

Chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2019

Cập nhật: 18:51, 30/06/2019 (GMT+7)

Tăng mức lương cơ sở, điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, nâng thời hạn của giấy phép xử lý chất thải nguy hại, cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, tăng mức xử phạt sử dụng điện để khai thác thủy sản, là những chính sách có hiệu lực từ tháng 7/2019.

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.490.000 đồng/tháng. Trong ảnh: Công chức bộ phận một cửa cấp tỉnh làm thủ tục hồ sơ hành chính cho công dân. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG
Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là 1.490.000 đồng/tháng. Trong ảnh: Công chức bộ phận một cửa cấp tỉnh làm thủ tục hồ sơ hành chính cho công dân. Ảnh: HOÀNG HƯỜNG

TỪ 1/7, MỨC LƯƠNG CƠ SỞ LÀ 1.490.000 ĐỒNG/THÁNG

Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP về mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, mức lương cơ sở mới là 1.490.000 đồng/tháng. Hiện hành, tại Nghị định 72/2018/NĐ-CP thì mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng, như vậy, mức lương cơ sở mới tăng thêm 100.000 đồng/tháng so với quy định hiện hành.

Mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 38; Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

ĐIỀU CHỈNH TĂNG LƯƠNG HƯU, TRỢ CẤP BHXH VÀ TRỢ CẤP HÀNG THÁNG

Từ ngày 1/7, điều chỉnh tăng thêm 7,19% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của tháng 6 năm 2019 đối với 8 nhóm đối tượng theo Nghị định 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2019, như: Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 121/2003/NĐ-CP và Nghị định 09/1998/NĐ-CP đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng. Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 130/CP ngày 20/6/1975 và Quyết định 111-HĐBT ngày 13/10/1981. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

NÂNG THỜI HẠN CỦA GIẤY PHÉP XỬ LÝ CHẤT THẢI NGUY HẠI

Ngày 13/5/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.

Theo đó, thời hạn giấy phép xử lý chất thải nguy hại (CTNH) là 5 năm, kể từ ngày cấp (tăng thêm 2 năm so với quy định hiện hành).

Bên cạnh đó, một số điều kiện để được cấp phép xử lý CTNH cũng đã được sửa đổi như sau: Phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ TN-MT phê duyệt trong mọi trường hợp xin cấp phép, không còn quy định các hồ sơ, giấy tờ khác để thay thế. Bãi bỏ điều kiện về đội ngũ nhân sự của cơ sở xử lý CTNH. Tổ chức, cá nhân khi lập hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý CTNH thì phải có dự án, cơ sở xử lý CTNH đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nghị định 40/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7.

CƠ CẤU TỔ CHỨC QUẢN LÝ CỦA QUỸ PHÁT TRIỂN DN NHỎ VÀ VỪA

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 39/2019/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là Quỹ).

Theo đó, Quỹ hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng, được mở tài khoản tại KBNN và các ngân hàng thương mại theo quy định.

Trụ sở chính của Quỹ đặt tại Hà Nội và cơ cấu tổ chức quản lý của Quỹ như sau: Hội đồng thành viên, kiểm soát viên, giám đốc và bộ máy giúp việc. Quỹ sẽ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ và vừa vay vốn theo các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp, đồng thời còn tài trợ vốn và có các hoạt động hỗ trợ tăng cường nhân lực.

Nghị định 39/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/7.

TĂNG MỨC XỬ PHẠT SỬ DỤNG ĐIỆN ĐỂ KHAI THÁC THỦY SẢN

Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản thì tăng mạnh mức xử phạt sử dụng điện để khai thác thủy sản như sau:

Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá (hiện hành là từ 1 triệu đến 2 triệu đồng). Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản (hiện hành là từ 3 triệu đến 5 triệu đồng).

Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/7.

ĐỨC ANH (Tổng hợp)

.
.
.