Quản lý chặt việc nạo vét hồ thủy lợi để tận thu khoáng sản
Phản ánh đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, người dân ở huyện Xuyên Mộc cho biết: Trên địa bàn huyện có hiện tượng lợi dụng việc nạo vét kết hợp tận thu vật liệu san lấp tại hồ thủy lợi Sông Hỏa, hồ Sông Kinh để “hợp thức hóa” việc khai thác cát tại khu vực các hồ.
Theo kết quả máy đo tọa độ cầm tay do Sở TN-MT thực hiện, khoảng cách thi công nạo vét tại hồ Sông Hỏa nằm ngoài ranh giới dự án từ 50-100m. |
Cuối tháng 5 vừa qua, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tham gia cùng Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh do ông Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn giám sát thực tế tình hình thực hiện dự án nạo vét, cải tạo, tận thu vật liệu san lấp tại hồ thủy lợi Sông Hỏa (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc).
Dự án nạo vét hồ Sông Hỏa là 1 trong 5 dự án nạo vét, cải tạo, tận thu vật liệu san lấp các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh chấp thuận tổ chức thực hiện theo hình thức “xã hội hóa”. Dự án được triển khai trên diện tích 55ha, độ sâu sau khai thác 20m, tổng trữ lượng khoáng sản được phép khai thác tận thu hơn 780 ngàn m3 (cát san lấp hơn 725 ngàn m3, đất hữu cơ 55 ngàn m3). Dự án do Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Cát Hà thi công, thời gian được phép khai thác tận thu đất, cát từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2021 theo Giấy phép số 77/GP của UBND tỉnh.
Tại hiện trường, Ðoàn giám sát nhận thấy khối lượng thi công trong lòng hồ và trong ranh giới dự án cho phép thực hiện rất ít. Ngược lại, hiện trường ngoài ranh giới dự án thì khối lượng nạo vét đất rất lớn. Khoảng cách thi công nạo vét ngoài ranh giới dự án từ 50 - 100m, trên diện tích hàng ngàn mét vuông. Việc nạo vét đất nham nhở, tạo nhiều hố sâu, dài, có những ao sâu gần 10m, rất nguy hiểm.
Việc nạo vét tại hồ Sông Hỏa ngoài ranh giới dự án trên diện tích cả ngàn mét vuông, tạo hiện trường nham nhở, nhiều hố sâu, dài, rất nguy hiểm. |
Đoàn giám HĐND tỉnh cũng đã giám sát việc nạo vét, tận thu vật liệu san lấp tại hồ Sông Kinh - đập dâng Cầu Mới (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc). Đơn vị thi công cũng là Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Cát Hà. Tại đầu cửa đập của hồ có một khối lượng cát rất lớn được tập kết. Theo phê duyệt của UBND tỉnh, dự án có diện tích khai thác 20ha, tổng lượng khoáng sản được phép khai thác gần 487 ngàn m3 (cát san lấp gần 485 ngàn m3, đất hữu cơ 2 ngàn m3); thời gian được phép khai thác tận thu đất, cát từ tháng 11/2018 đến tháng 6/2021 theo Giấy phép số 75/GP của UBND tỉnh.
HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo số 69 về kết quả khảo sát tình hình triển khai thực hiện 2 dự án nạo vét lòng hồ Sông Kinh và hồ Sông Hỏa. Thông báo nêu rõ: Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà chưa thực hiện đúng các hạng mục báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc thi công chưa thực hiện đúng quy trình, biện pháp thi công và tiến độ thi công dự án đã được phê duyệt; thi công chưa đúng ranh giới được duyệt, một số điểm khai thác nằm ngoài ranh giới mốc của dự án. Tại hồ Sông Hỏa, mặc dù công ty có bố trí 2 hồ lắng, nhưng không phải phục vụ cho việc nạo vét hồ, mà chủ yếu là phục vụ cho việc rửa đất lấy cát từ hoạt động khai thác ngoài ranh giới của dự án. Tại hồ Sông Kinh, không có hố lắng bùn, không có bãi tập kết vật liệu khai thác.
Từ nhận định trên, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu: Sở NN-PTNT (cơ quan quản lý chuyên ngành thủy lợi) thực hiện biện pháp khắc phục các tồn tại và kế hoạch triển khai trong thời gian tới đối với dự án nạo vét lòng hồ Sông Hỏa và lòng hồ Sông Kinh. Đồng thời, tổ chức kiểm tra kết quả khắc phục sai phạm của Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Cát Hà, báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh để tiến hành khảo sát trước khi cho phép tiếp tục triển khai dự án. Công ty TNHH Dịch vụ Sản xuất Cát Hà phải chấm dứt ngay hành vi khai thác khoáng sản ngoài ranh giới mốc của dự án đã được phê duyệt; tổ chức khắc phục những vị trí khai thác ngoài phạm vi dự án. UBND huyện Xuyên Mộc tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, vận chuyển khoáng sản, công tác bảo vệ môi trường… tại dự án nạo vét lòng hồ Sông Hỏa và lòng hồ Sông Kinh; khi phát hiện sai phạm, kịp thời xử lý theo quy định.
Từ thực tế trên cho thấy, công tác “xã hội hóa” việc nạo vét, cải tạo hồ thủy lợi bằng hình thức tận thu vật liệu san lấp đang có kẽ hở, dễ bị DN lợi dụng để “hợp thức hóa” việc khai thác khoáng sản ngoài ranh giới dự án, hoặc quá trữ lượng cho phép trong khu vực dự án, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ảnh hưởng đến môi trường, cũng như việc bảo đảm an toàn nguồn nước để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy, để thực hiện “xã hội hóa” hoạt động này, cần đấu thầu công khai nhằm lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thực hiện; tăng cường vai trò quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong quá trình DN thi công nạo vét các hồ thủy lợi theo phương thức này.
Bài, ảnh: SA HUỲNH