"Bóc mẽ" chiêu trò quảng cáo gây hoang mang về nguồn nước
Những ngày gần đây, trên trang facebook Karofi- Chuyên gia lọc nước thông minh (thuộc Công ty CP Karofi Việt Nam, có trụ sở tại Hà Nội) giới thiệu đoạn video clip “Vũng Tàu: Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt hơn 1 triệu dân cư”. Sau đoạn phim này là quảng cáo cho sự kiện giới thiệu sản phẩm máy lọc nước Karofi tại siêu thị Lotte Vũng Tàu. Đoạn clip của Karofi đã được lan truyền nhanh chóng, gây hoang mang cho người dân về chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh BR-VT.
Nhân viên bán hàng Karofi thử nghiệm mẫu nước cho khách hàng tại quầy bán hàng máy lọc nước tại siêu thị Lotte Vũng Tàu. |
Đoạn clip “Vũng Tàu: Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt hơn 1 triệu dân cư” do Karofi- Chuyên gia lọc nước thông minh truyền tải trên mạng xã hội dài 1 phút 24 giây. Đoạn clip này được cắt và ghép từ 2 phóng sự của Truyền hình Nhân dân về hiện tượng tảo nở xanh hồ Sông Ray vào thời điểm tháng 11/2018 và ghi nhận tình trạng xả thải của một số cơ sở chăn nuôi ở vùng giáp ranh Đồng Nai và BR-VT vào thời điểm tháng 10/2018. Đây là clip giới thiệu đề dẫn cho sự kiện “Nước trong không hẳn đã sạch” tại siêu thị Lotte Vũng Tàu diễn ra trong 2 ngày 8 và 9/6 do nhãn hàng máy lọc nước Karofi tổ chức.
10 giờ sáng ngày 8/6, tại khu vực quầy hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Karofi, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung (9E, Phạm Văn Dinh, TP. Vũng Tàu) mang tới 1 chai nước máy để thử máy lọc nước. Ông Nguyễn Minh Thuật, Trưởng đại diện khu vực phía Nam của thương hiệu máy lọc nước Karofi, tiếp nhận chai nước của bà Nhung và nhanh chóng làm các phép thử. Đầu tiên dùng máy TDS-3 để đo chất rắn, tiếp theo dùng máy điện phân để thử tiếp thì ly nước máy mà bà Nhung mang đến chuyển sang màu vàng nhạt. Theo ông Thuật, thì đây là những phép thử đơn giản để phân tích bằng trực quan cho thấy nước mà bà Nhung mang đến chưa đạt chất lượng. “Tuy nhiên, khách hàng nếu muốn có các chỉ số phân tích cụ thể thì phải đem mẫu nước lên Viện Pauter để phân tích”, ông Thuật nói.
Ông Lê Thanh Bình (195/21, Bacu, TP.Vũng Tàu) cũng mang tới 2 chai nước: 1 chai nước lấy trực tiếp từ vòi nước sinh hoạt do Công ty CP cấp nước BR-VT cung cấp, 1 chai lấy từ bình sau khi đã lọc để kiểm tra. Ông Nguyễn Minh Thuật lại tiếp tục thử mẫu nước cho khách. Kết quả cả 2 mẫu nước đều bị sủi bọt, đổi màu vàng nhẹ và kết tủa khi cho 2 đầu cực của máy điện phân tiếp xúc vào nước.
Trao đổi với PV Báo BR-VT, ông Nguyễn Tiến Lạng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước BR-VT (BWACO) cho biết, sở dĩ các thử nghiệm của Karofi đối với nước máy và nước khoáng có sủi bọt và đổi màu là do 2 đầu cực âm và dương của máy điện phân làm bằng thỏi nhôm và sắt nên trong quá trình điện phân sẽ tạo khí Hydro bay lên (2H+ + 2e = H2) làm nước sủi bọt. Khi sắt (Fe3) tiếp xúc trực tiếp với nước (H2O), tạo thành Hydroxit sắt III (FeOH3). Chính chất này kết tủa tạo thành màu vàng nhạt, để lâu sẽ đóng thành cặn dưới đáy vật chứa. Phản ứng này sẽ không xảy ra đối với ly nước đã qua máy lọc do nước sau khi lọc thường thiếu chất điện dẫn. “Trong nước luôn phải có những khoáng chất và các nguyên tố vi lượng ở liều lượng trong tiêu chuẩn cho phép thì mới có lợi cho sức khỏe của người dùng. Cơ thể con người, ngoài việc cung cấp khoáng chất cần thiết qua sử dụng thực phẩm hàng ngày, cũng cần được bổ sung khoáng chất qua nước uống. Đối với nước máy của BWACO, người tiêu dùng chỉ cần đun sôi là uống được mà không cần phải tốn chi phí mua máy lọc nước”, ông Lạng nói.
Liên quan đến sự việc trên, BWACO cũng khẳng định nước sinh hoạt do BWACO cung cấp đạt tiêu chuẩn cho phép theo “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống” (QCVN 01:2009/BYT) của Bộ Y tế. Định kỳ 3 tháng, Công ty gửi mẫu nước kiểm nghiệm tại Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 - TP.Hồ Chí Minh thuộc Tổng cục Đo lường chất lượng. Ngoài ra, các mẫu nước do BWACO cung cấp được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm nghiệm hàng tháng và Phòng Quản lý chất lượng của BWACO kiểm tra xét nghiệm hàng giờ, hàng ngày và đạt tiêu chuẩn cho phép.
Việc sao chép, cắt, dán… tạo thành những thông tin không đúng sự thật để tung tin lên mạng xã hội chính là vi phạm mục d, Điều 8, chương I của Luật An ninh mạng. Theo đó, hành vi “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế, xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 triệu đồng. Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12/6/2018 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. |
Trở lại với clip “Vũng Tàu: Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt hơn 1 triệu dân cư”, Sở TN-MT khẳng định, những sự việc diễn ra như phản ánh trong clip là hiện tượng tảo xanh xuất hiện trên hồ Sông Ray và tình trạng xả chất thải chăn nuôi ở khu vực giáp ranh tỉnh Đồng Nai và BR-VT chỉ diễn ra trong một thời điểm ngắn từ năm 2018. Thời gian qua, tỉnh BR-VT đã thực hiện nhiều giải pháp để ngăn chặn nguy cơ gây ô nhiễm ở các hồ cấp nước sinh hoạt như: di dời toàn bộ các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi hành lang an toàn các hồ chứa nước; hạn chế thu hút đầu tư tại vùng thượng nguồn thuộc bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nhằm hạn chế các ngành nghề có tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của người dân. Kết quả quan trắc mới nhất của Sở TN-MT cho thấy nước thô tại các hồ cấp nước trên địa bàn tỉnh hiện tại đều đạt quy chuẩn cho phép.
Bài, ảnh: QUANG VŨ