.

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số đi đường an toàn

Cập nhật: 15:19, 25/11/2018 (GMT+7)

Hiện nay, nhận thức pháp luật về ATGT trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) còn hạn chế, trong đó việc điều khiển xe máy sau khi uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định… vẫn thường xuyên diễn ra. Nhằm khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp với lực lượng CSGT các địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho ĐBDTTS trên địa bàn.

Buổi tuyên truyền ATGT cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Xuyên Mộc.
Buổi tuyên truyền ATGT cho đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Xuyên Mộc.

Có mặt tại Nhà văn hóa xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc để tham gia buổi tuyên truyền pháp luật giao thông ngày 30-10 vừa qua, anh Hoàng Trần Hanh (dân tộc Tày, ngụ ấp Bàu Chiên, xã Tân Lâm) cho biết, quanh năm suốt tháng gắn bó với ruộng rẫy, nên hiểu biết về pháp luật đối với anh còn rất hạn chế. Khi được cán bộ thôn thông báo đi nghe tuyên truyền, phổ biến về ATGT, anh đã nghỉ làm để đến tham gia từ sớm. “Trước đây, mình không hiểu gì về Luật Giao thông. Từ nhà tới rẫy khoảng 4-5 cây số, mình vẫn chạy xe máy trên đường mà không đội mũ bảo hiểm. Sau khi được nghe cán bộ CSGT nói về những vụ tai nạn trên đường, mới biết sẽ gặp nguy hiểm nếu không chấp hành quy định về ATGT. Từ nay, mình sẽ đội mũ bảo hiểm mỗi khi chạy xe máy ra đường”, anh Hanh chia sẻ.

Còn ông Tòng Văn Đương (dân tộc Châu Ro, ngụ xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) cho hay, ở vùng nông thôn, trẻ em 11-12 tuổi đã chạy xe máy. Khi lái xe, các em không đội mũ bảo hiểm, lại thường xuyên chạy nhanh, lạng lách nên rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nhiều người là ĐBDTTS tuy lớn tuổi nhưng vẫn chưa có giấy phép lái xe. “Tôi thấy những buổi tuyên truyền ATGT cho đồng bào rất hữu ích, giúp họ chấp hành đúng luật khi tham gia giao thông để tránh xảy ra tai nạn”, ông Đương nói.

Ông Đào Văn Thanh (dân tộc Châu Ro, ngụ huyện Châu Đức) thì bày tỏ: “Tôi thường uống rượu, có khi vừa uống rượu xong là điều khiển xe máy liền. Vừa rồi, được cán bộ CSGT giải thích, tôi thấy uống rượu rồi lái xe là vi pham Luật Giao thông, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác. Từ đây, sau khi uống rượu, tôi sẽ không lái xe máy nữa”.

Tình trạng người điều khiển xe máy chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường nông thôn. (Ảnh chụp tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc).
Tình trạng người điều khiển xe máy chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm vẫn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường nông thôn. (Ảnh chụp tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc).

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các tuyến đường nông thôn trên địa bàn xã Tân Lâm, Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc), xã Bàu Chinh, Bình Trung (huyện Châu Đức), là những địa phương có nhiều ĐBDTTS sinh sống, tình trạng người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định vẫn còn phổ biến. Bên cạnh đó, các loại xe tự chế như công nông, máy cày không còi, không đèn, không gương chiếu hậu… được người dân cải hoán chở củi, nông sản cồng kềnh tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn trên đường.

Thiếu tá Phan Ngọc Hà, Đội CSGT Công an huyện Xuyên Mộc cho biết, nhận thức về pháp luật giao thông của bà con ĐBDTTS vẫn còn hạn chế, tình trạng không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện vẫn còn phổ biến. Đây là những nguyên nhân làm gia tăng TNGT. Vì vậy, những buổi tuyên truyền pháp luật giao thông cho ĐBDTTS, lực lượng CSGT thường tập trung phổ biến các quy định: Không phơi rơm rạ trên đường, không sử dụng các loại xe tự chế để chở nông sản, tác dụng của việc đội mũ bảo hiểm, tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện, cách xử lý các tình huống và kỹ năng điều khiển phương tiện khi qua đường giao nhau, lúc trời mưa… Đặc biệt, tại các buổi tuyên truyền pháp luật cho ĐBDTTS, cán bộ CSGT đã dành nhiều thời gian cho bà con hỏi - đáp về Luật Giao thông đường bộ, cách phòng tránh các tình huống có thể xảy ra tai nạn khi tham gia giao thông, cách xử lý tình huống khi bị TNGT.

Theo ông Nguyễn Xuân Trạch, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, tuyên truyền pháp luật ATGT là hoạt động nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong nhân dân. Qua đó, góp phần kiềm chế, giảm thiểu các vụ TNGT. Thời gian tới, Ban ATGT tiếp tục phối hợp với lực lượng CSGT và chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về trật tự ATGT cho người dân, nhất là ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: TRÍ NHÂN

.
.
.