.

Vi phạm hành lang lưới điện vẫn tiếp diễn

Cập nhật: 15:29, 19/11/2018 (GMT+7)

Tình trạng xây dựng, trồng cây xanh… vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) chưa bao giờ hết phức tạp. Nhiều vụ tai nạn điện dẫn đến chết người, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất đã xảy ra liên quan đến việc vi phạm HLATLĐ. Báo BR-VT tiếp tục trở lại đề tài này, gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Cột điện 110KV tại số 806 đường Bình Giã, TP.Vũng Tàu bị ôm bởi các nhà dân.
Cột điện 110KV tại số 806 đường Bình Giã, TP.Vũng Tàu bị ôm bởi các nhà dân.

Theo ghi nhận của phóng viên, dọc các tuyến đường 30-4, Bình Giã (TP. Vũng Tàu), Quốc lộ 55 (đoạn qua TT. Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc và đoạn qua TT.Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ), Quốc lộ 56 (đoạn qua TT. Ngãi Giao, huyện Châu Đức)… nhiều người cơi nới nhà cửa, dựng lều quán, trồng cây xanh xâm phạm HLATLĐ.

Đơn cử như, tại đường 30-4, TP. Vũng Tàu, hiện có một hộ dân đang xây dựng công trình nhà ở nằm sát đường điện trần trung thế 22KV. Để đưa các vật liệu lên cao, đơn vị thi công phải nối nhiều lớp giàn giáo sắt. Tuy nhiên, những giàn giáo sắt này chỉ được níu giữ sơ sài bằng những sợi thép. Nhìn cảnh thợ xây đưa vật liệu xây dựng lên cao bên cạnh dây điện trần, trông rất nguy hiểm.

Theo quy định, khoảng cách an toàn phóng điện giữa đường dây điện cao thế 110-220KV với các công trình xây dựng gần nhất là 6m. Thế nhưng, xung quanh trụ điện 110KV tại số 806 đường Bình Giã, TP.Vũng Tàu, người dân xây nhà bao quanh để ở, kinh doanh buôn bán không chừa khoảng cách an toàn. Cách đó không xa, bên dưới trụ điện tại số 766 Bình Giã cũng được người dân dựng lán tạm bằng mái tôn để bán thịt heo.

Phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện; Lắp đặt ăng ten ti vi, dây phơi, giàn giáo, biển, hộp đèn quảng cáo tại vị trí khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào lưới điện; Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện…

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không khi chưa có thỏa thuận hoặc không thực hiện đúng các thỏa thuận để bảo đảm an toàn trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà ở, công trình với đơn vị quản lý vận hành đường dây…

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Chặt và để cây đổ vào lưới điện; Xây nhà, công trình lên hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm…

(Trích Nghị định số 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả)

 

Không chỉ vi phạm HLATLĐ trên không, mà hành lang cáp điện ngầm cũng bị xâm phạm. Đơn cử như vừa qua, trong quá trình thi công đường ống cấp nước ngầm đoạn gần Trường TH Long Tân, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, đơn vị thi công của Trung tâm Nước sạch - VSMT nông thôn tỉnh BR-VT đã đào đường vi phạm HLAT tuyến cáp điện ngầm 22Kv. Vì vậy, Công ty điện lực tỉnh BR-VT đã yêu cầu đơn vị ngưng thi công, đồng thời phối hợp với Phòng KT-HT huyện Đất Đỏ xử lý theo quy định.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn điện do không bảo đảm khoảng cách ATLĐ, làm 2 người chết, 3 người bị thương. Cụ thể như, khoảng 11 giờ 30 phút ngày 9-1, tại xã Kim Long, huyện Châu Đức, trong lúc thi công lắp đặt các kết cấu xây dựng ở phía dưới đường điện trung thế, ông V.Ng.B (59 tuổi, trú tại huyện Châu Đức) đã không chú ý quan sát khoảng cách ATLĐ, để sợi dây dính vào đường dây điện trên cao nên bị điện giật tử vong. Vào ngày 27-2, trong lúc lắp dựng cổng tại sân vận động huyện Xuyên Mộc, nhóm công nhân bất cẩn đã để cần cẩu của máy tời chạm vào đường dây trung thế 22KV dẫn đến phóng điện, khiến 1 người tử vong, 3 người khác bị thương và gây mất điện một phần khu vực huyện Xuyên Mộc.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty điện lực BR-VT cho biết, Công ty hiện đang quản lý gần 1.783km lưới điện trung thế và hơn 2.535km lưới điện hạ thế. Các hành vi vi phạm HLATLĐ chủ yếu do xây cất, đào bới… chạm vào đường điện dẫn đến phóng điện, không chỉ gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người mà khi xảy ra sự cố sẽ làm mất điện ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất của người dân và DN. Thời gian qua, khi nhận được tin báo các hành vi vi phạm HLATLĐ, ngành điện đều nhanh chóng cử bộ phận chuyên môn kiểm tra vi phạm để xử lý. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã phát hiện, xử lý 7 trường hợp vi phạm HLATLĐ.

Nhằm ngăn ngừa tai nạn điện và vi phạm HLATLĐ, Công ty Điện lực BR-VT tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc tuyên truyền miệng, phát tờ rơi đến các địa bàn khu dân cư về các biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi vi phạm về điện… Đồng thời, từng bước thực hiện “bọc hóa” lưới điện trần để giảm nguy cơ tai nạn điện. “Nhưng quan trọng nhất, vẫn là người dân phải có ý thức tự bảo vệ cho mình, cần tuân thủ các quy tắc, quy định về an toàn điện, không vi phạm HLATLĐ”, ông Trần Thanh Hải khuyến cáo.

Bài, ảnh: PHƯỚC AN

.
.
.