.

Mất tiền tỷ trước những chiêu lừa cũ

Cập nhật: 18:41, 21/08/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, tại các địa phương trong tỉnh lại tái diễn tình trạng giả danh cơ quan pháp luật hay nhà mạng, gọi điện cho người dân nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy phương thức thủ đoạn của các đối tượng không mới nhưng nhiều người vẫn “dính bẫy”.

Khi nhận được những cuộc điện thoại không rõ người gọi, lấy danh nghĩa cơ quan công an, viện kiểm sát để làm việc, người dân cần cảnh giác không làm theo yêu cầu của đối tượng và nhanh chóng báo cho cơ quan công an xử lý (ảnh minh họa).
Khi nhận được những cuộc điện thoại không rõ người gọi, lấy danh nghĩa cơ quan công an, viện kiểm sát để làm việc, người dân cần cảnh giác không làm theo yêu cầu của đối tượng và nhanh chóng báo cho cơ quan công an xử lý (ảnh minh họa).

BẮT ĐẦU BẰNG NHỮNG CUỘC ĐIỆN THOẠI KHỦNG BỐ

Ngày 7-8, bà Th.Th.Ng (SN 1971, trú tại huyện Đất Đỏ) đến cơ quan công an trình báo, một đối tượng lạ gọi đến điện thoại bàn của gia đình bà tự xưng là cán bộ đang công tác tại Công an tỉnh. Sau đó, đối tượng hăm dọa bà Ng. có liên quan, dính líu đến một đường dây ma túy lớn đang bị điều tra. Muốn mọi chuyện “êm xuôi” bà Ng. phải chuyển vào tài khoản tại một ngân hàng ở Bình Phước số tiền 350 triệu đồng. Quá lo sợ, bà Ng. đã đến ngân hàng chuyển tiền như hướng dẫn của đối tượng lạ. Sau khi chuyển tiền, bà Ng. mới nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn.

Trước đó, khoảng 13 giờ ngày 20-7, chị L.T.T. (trú tại phường 8, TP.Vũng Tàu) đang ở nhà thì nhận được cuộc gọi vào số máy điện thoại cố định. Đầu dây bên kia, một giọng nữ xưng là nhân viên của công ty điện thoại, thông báo chị T. nợ cước số tiền gần 8 triệu đồng. Sau đó, nhân viên này nối máy cho chị T. nói chuyện với một người tên Kiên tự xưng làm việc tại phòng lưu trữ của TAND TP.Vũng Tàu. Người tên Kiên thông tin chị T. có đăng ký số điện thoại cố định với tổng đài ở Hà Nội. Ông Kiên này lại nối máy tiếp cho chị T. gặp người tên Phạm Tuấn Anh xưng là cán bộ Công an TP.Hà Nội. Người xưng tên Phạm Tuấn Anh cho chị T. biết chị đang phạm tội rất nguy hiểm và yêu cầu hợp tác điều tra. Tuấn Anh cũng gửi qua Viber cho chị T. một bản “Lệnh bắt khẩn cấp” ghi tên chị T. để chị này sợ. Sau một hồi tra hỏi thông tin về các khoản tiền tiết kiệm, người này nói nghi ngờ số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản của chị T. tại Ngân hàng Vietcombank có nguồn gốc không rõ ràng. Theo đó, đối tượng yêu cầu chị T. chuyển vào tài khoản ngân hàng của người tên Bùi Văn Hà. Sau khi kiểm tra xong sẽ có người chuyển trả lại. Sau đó, chị T. ra ngân hàng chuyển 500 triệu đồng.

Chưa dừng lại ở đó, sáng 23-7, một phụ nữ gọi cho chị T. xưng là nhân viên Ngân hàng Vietcombank ở Vũng Tàu nói có người chuyển lại vào tài khoản của chị T. 1 tỷ đồng, nhưng vì hệ thống tin nhắn bị lỗi nên chỉ gọi điện thoại thông báo với chị T. Sau đó, chị T. ra ngân hàng kiểm tra thì biết không có tiền. Chị T. gọi điện thoại, nhắn tin cho người tên Tuấn Anh đòi tiền nhưng người này bặt vô âm tín… Lúc này, chị T. mới biết bị lừa và trình báo với công an.

Cũng với thủ đoạn tương tự ngày 25-7, ông N.V.T. (ngụ phường 3, TP.Vũng Tàu) và chị Tr.Th.H. (trú tại phường 9, TP.Vũng Tàu) cũng bị nhóm đối tượng lừa đảo gọi điện dàn cảnh để chuyển tiền. Ông T. chuyển 900 triệu đồng, chị H. chuyển 500 triệu đồng.

CẢNH GIÁC VỚI CHIÊU LỪA

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh, Phó Đội trưởng Đội điều tra án về xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS (PC45)-Công an tỉnh cho hay, thủ đoạn lừa đảo như trên không mới, xảy ra ở nhiều địa phương. Thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với các địa phương khác bắt giữ, truy tố, xét xử một số đối tượng về hành vi lừa đảo qua điện thoại.

Thủ đoạn của các đối tượng là giả danh cán bộ công an các tỉnh, cán bộ điều tra công an, viện kiểm sát, nhân viên điện thoại thông báo người bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm, ma túy. Sau đó, yêu cầu người bị hại muốn chứng minh sự trong sạch, phải nhanh chóng ra ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm của mình vào tài khoản do chúng cung cấp để kiểm tra.

Các đối tượng cũng yêu cầu nạn nhân cung cấp số điện thoại di động, sau đó bắt buộc nạn nhân phải để điện thoại trong chế độ liên lạc với đối tượng, nhằm cắt đứt mọi liên lạc giữa nạn nhân với người xung quanh, cho đến khi nạn nhân hoàn thành việc chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Đồng thời, để ngăn chặn sự can thiệp của gia đình nạn nhân, các đối tượng đe dọa, buộc các nạn nhân phải giữ bí mật tuyệt đối, không cho bất kỳ người nào biết sự việc. Trong khoảng thời gian chờ nạn nhân thực hiện việc chuyển tiền, đối tượng liên tục điện thoại, hướng dẫn nạn nhân thực hiện các thủ tục, khiến nạn nhân hoàn toàn bị động, không có thời gian để suy nghĩ, nhận ra thủ đoạn lừa đảo của bọn tội phạm.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Linh khuyến cáo: Nhằm ngăn chặn hoạt động tội phạm lừa đảo qua điện thoại, khi nhận được những cuộc điện thoại không rõ người gọi, lấy danh nghĩa cơ quan công an để làm việc thì người dân nhanh chóng kết thúc cuộc gọi, báo cho cơ quan công an nơi gần nhất. Người dân nên biết, cơ quan công an, viện kiểm sát khi cần làm việc với công dân sẽ có giấy mời hoặc giấy triệu tập. Tuyệt đối không làm việc qua điện thoại, không được chuyển tiền. Khi phát hiện bị lừa đảo, nạn nhân hoặc người nhà cần nhanh chóng đến cơ quan công an trình báo để phối hợp với các ngân hàng kịp thời ngăn chặn hành vi rút tiền của các đối tượng tội phạm. Bị hại cần tích cực hợp tác với cơ quan công an trong quá trình điều tra phá án, xử lý vụ việc.

Bài, ảnh: SƠN KHÊ

.
.
.