Ẩn họa trong các điểm kinh doanh phế liệu
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 300 cơ sở kinh doanh phế liệu (KDPL). Điều đáng lo ngại là rất nhiều cơ sở KDPL nằm xen lẫn trong khu vực dân cư, nhưng không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
KHÔNG BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG
Trang thiết bị PCCC rất sơ sài tại cơ sở KDPL của DNTN Nguyễn Văn Bình Minh (61, Bình Giã, phường 8, TP.Vũng Tàu). |
Sáng 23-8, phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu có mặt tại cơ sở KDPL của DNTN Ánh Ngọc (số 127 Bình Giã, phường 8, TP.Vũng Tàu). Nơi đây, phế liệu gồm đủ các chủng loại từ bìa giấy cát tông, nilon, nhựa, vỏ chai, lọ thủy tinh đến nhôm, sắt vụn... được chất thành đống. Khu vực chứa phế liệu chật hẹp, trong khi nhiều loại phế liệu có nguy cơ gây cháy, nổ cao như tủ lạnh, tivi, bình gas cũ… ngổn ngang. Hệ thống đường dây điện thì cũ kỹ, giăng mắc chằng chịt, rất dễ xảy ra chập cháy.
Còn tại cơ sở KDPL của DNTN Nguyễn Văn Bình Minh (61, Bình Giã, phường 8, TP.Vũng Tàu) cũng không bảo đảm các yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ, không được trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC. Cơ sở này hoạt động đã hơn 3 năm nay và có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH-ĐT cấp lần đầu vào ngày 10-6-2014, tuy nhiên còn thiếu chứng nhận về điều kiện bảo đảm môi trường. Ngoài ra, cơ sở chưa chấp hành đầy đủ quy định PCCC.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch UBND phường 8, trên địa bàn phường hiện có 5 cơ sở KDPL. Nhưng hầu hết các cơ sở này đều chưa bảo đảm các điều kiện về môi trường và PCCC. Qua các đợt kiểm tra và khảo sát, phường đã lập biên bản và yêu cầu ngừng hoạt động cơ sở KDPL của DNTN Ánh Ngọc, DNTN Anh Đào. “Các cơ sở còn lại phường đang tiếp tục kiểm tra, xử lý và sẽ cho tạm ngừng hoạt động nếu nhận thấy chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định”, ông Nguyễn Minh Đức cho hay.
Tương tự, phường Thắng Tam có 9 cơ sở KDPL, nhưng nhiều cơ sở hoạt động thiếu các điều kiện kinh doanh theo quy định. Trong thời gian qua, đã có 3 cơ sở bị cơ quan chức năng xử phạt 6 triệu đồng về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; 8 cơ sở vi phạm về môi trường bị xử phạt với số tiền 16,5 triệu đồng (trong đó có cả 3 cơ sở đồng thời bị xử phạt về hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường).
Theo ông Võ Văn Thành Sang, Phó Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch TP.Vũng Tàu, trên địa bàn thành phố hiện có 118 cơ sở KDPL, trong đó 46 cơ sở là DN, còn lại là hộ kinh doanh nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Hoạt động KDPL là một loại hình kinh doanh có điều kiện. Theo quy định, các cơ sở này phải đáp ứng được những yêu cầu bắt buộc như ngoài giấy phép kinh doanh còn phải có giấy cam kết bảo vệ môi trường, có hệ thống PCCC... “Quy định là vậy, nhưng thực tế qua rà soát của các cơ quan chức năng của thành phố cho thấy, phần lớn các cơ sở KDPL trên địa bàn đều hoạt động khi chưa bảo đảm được các điều kiện nêu trên, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống dân cư”, ông Võ Văn Thành Sang nhận định.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ
Bên trong cơ sở KDPL của DNTN Ánh Ngọc (127, Bình Giã, phường 8, TP.Vũng Tàu) chứa nhiều loại phế liệu tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ. |
Theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh, quy định: “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động”. Như vậy, KDPL là loại hình kinh doanh phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cam kết bảo vệ môi trường, PCCC mới được hoạt động kinh doanh. Nhưng thực tế có nhiều cơ sở nhỏ lẻ thực hiện việc thu gom, mua bán phế liệu trong các khu dân cư đã không tuân thủ các quy định nói trên, tiềm ẩn hiểm họa về cháy nổ và vệ sinh môi trường.
Thực tế, hoạt động KDPL đã có những sự cố cháy nổ. Đơn cử như, chiều 21-3, một vụ cháy lớn đã xảy ra tại một cơ sở KDPL trên đường Võ Nguyên Giáp, phường 12, TP.Vũng Tàu, gây cháy đường dây điện của những hộ dân xung quanh, tuy không thiệt hại về người nhưng hàng trăm lốp xe cũ cùng 1 căn nhà cấp 4 bị thiêu rụi hoàn toàn. Một vụ khác, lúc 4 giờ 30 phút ngày 8-8-2016, tại cơ sở thu mua ve chai Thu Thơ (ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, huyện Tân Thành - nay là TX.Phú Mỹ) do bà Trần Thị Thu làm chủ bất ngờ phát cháy dữ dội, hậu quả vụ cháy gây thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Tương tự, một vựa phế liệu ở ấp Phước Lợi, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền cũng bị cháy vào cuối năm 2016, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Nhằm quản lý tốt hoạt động của các cơ sở KDPL, các cơ quan chuyên ngành về thương mại, môi trường, PCCC cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện điều kiện kinh doanh đối với các điểm thu mua, sơ chế phế liệu; yêu cầu các cơ sở này phải ký cam kết, đầu tư đầy đủ các trang thiết bị PCCC, xử lý chất thải, rác thải. Kiên quyết đình chỉ ngay cơ sở thu mua, KDPL không có giấy phép kinh doanh; các cơ sở có tuy giấy phép kinh doanh nhưng không bảo đảm điều kiện theo quy định, dù trước đó đã được ấn định thời gian khắc phục. Mặt khác, UBND các phường, xã, thị trấn cần quản lý tốt hoạt động KDPL trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở chấp hành các quy định pháp luật của ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH
Nhằm phòng ngừa nguy cơ cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các cơ sở KDPL trên địa bàn, UBND TP.Vũng Tàu đã giao cho Phòng Quản lý đô thị thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND phường, xã tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ sở KDPL; kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về trật tự đô thị, điều kiện hoạt động kinh doanh; xử lý nghiêm các cơ sở tổ chức hoạt động khi chưa đủ điều kiện kinh doanh và vi phạm về trật tự đô thị. Mặt khác, UBND TP.Vũng Tàu cũng sẽ quy hoạch, di dời các điểm thu mua, KDPL theo hướng tập trung, không để tình trạng kinh doanh loại hình này xen lẫn trong khu dân cư, ảnh hường đến sinh hoạt người dân. (Bà Trương Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu) |