Huyện Long Điền không chỉ có nghề đúc chuông đồng, nghề làm bánh tráng hay nghề khai thác thủy hải sản mà còn là nơi có nhiều hộ trồng hoa lan. Trong đó, vùng tập trung đông nhất là xã An Nhứt với những vườn lan rực rỡ.
Ông Lê Ngọc Linh (thứ hai từ phải qua), Bí thư Huyện ủy Long Điền tham quan vườn lan của gia đình ông Phạm Văn Hiền. |
Ông Phạm Văn Hiền (ấp An Đồng, xã An Nhứt) là một trong những người trồng lan có tiếng ở An Nhứt. Cách đây hơn 25 năm, ông Hiền chỉ biết trồng lúa, chăn nuôi heo, gà… dù vất vả quanh năm, cuộc sống vẫn không khá lên được. Vốn là người yêu thiên nhiên và cái đẹp, lúc nông nhàn, ông có thú vui tìm mua lan rừng để trồng chơi. Niềm đam mê tăng theo thời gian, ông Hiền đã tự học cách ghép lan rừng vào gốc cây để cho ra những giò lan đẹp.
Nhận thấy nhu cầu chơi hoa lan ngày càng tăng nên năm 2005, ông Hiền bắt đầu mở rộng vườn lan để cung cấp cho khách hàng. Ông đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng vườn lan rộng 2.500m2 với gần 20.000 giò. Hiện nay gia đình ông Hiền có thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. Tết này, gia đình ông Hiền có khoảng 1.000 giò lan ngọc điểm, sẵn sàng phục vụ thị trường Tết.
Nghề trồng hoa lan đã mang lại cho nhiều hộ dân ở An Nhứt thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Thành Phương (ấp An Đồng, xã An Nhứt) là một trong những người đầu tiên trồng hoa lan rừng ở An Nhứt. Do vậy, ông Phương cũng được xem là người có nhiều kinh nghiệm trong nhân giống và chăm sóc hoa lan rừng trên địa bàn xã. Trung bình mỗi năm, từ việc bán hoa lan, gia đình ông Phương có thu nhập trên 200 triệu đồng. Tết này, ông có trên 2.000 giò lan các loại, sẵn sàng cung cấp cho khách hàng. “Chăm sóc lan không dễ, đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ, nước tưới vừa đủ ẩm, cây được che đủ mát, không quá nắng”, ông Phương chia sẻ kinh nghiệm.
Theo Hội Nông dân xã An Nhứt, nghề trồng hoa lan ở An Nhứt có từ hơn 30 năm trước. Trồng hoa lan là mô hình sản xuất không tốn quá nhiều công sức, tiết kiệm diện tích đất canh tác nhưng cho thu nhập cao và ổn định quanh năm. Do vậy, từ một vài hộ trồng, theo thời gian vườn lan được nhân rộng ra cả xóm, cả làng. Để có nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, những người yêu hoa lan trên địa bàn xã đã thành lập CLB trồng hoa lan An Nhứt vào năm 2016. Từ 12 hội viên ban đầu, đến nay số hội viên của CLB đã tăng lên 25 hộ thành viên, chưa kể hàng chục hội viên không chính thức.
Thời điểm này, nhiều nhà vườn đang tất bật chuẩn bị hoa lan phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Tân Sửu. CLB trồng hoa lan An Nhứt dự kiến cung ứng ra thị trường Tết từ 3.500-4.000 giò lan các loại, trong đó chiếm số nhiều là lan ngọc điểm. Giá bán lan ngọc điểm trung bình từ 150-200 ngàn đồng/giò.
Ông Trần Công Danh, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Nhứt cho biết, Hội sẽ tham mưu Đảng ủy, UBND xã An Nhứt thành lập HTX hoa lan An Nhứt trong năm 2021 để mở rộng quy mô trồng hoa lan, kết hợp với du lịch nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là bước tiến mới nhằm khẳng định “thương hiệu hoa lan An Nhứt” của địa phương.
Mùa Xuân như đến sớm, khi khách thập phương đã dập dìu tham quan, mua lan để chơi Tết.
Bài, ảnh: NGUYỄN HỮU THUẬN