ẨM THỰC BA MIỀN HỘI TỤ - Kỳ 22: Độc đáo bún sứa

Thứ Năm, 03/12/2020, 18:12 [GMT+7]
In bài này
.

Bún sứa là món ăn đặc trưng của cư dân vùng biển miền Trung. Đến TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), nhiều du khách nhất định phải thưởng thức bún sứa. Món ăn này cũng đã có mặt ở TP. Vũng Tàu tại quán 79 Nha Trang (44A, Bà Triệu, phường 1).

Món bún sứa dân dã nhưng được nhiều người ưa thích.
Món bún sứa dân dã nhưng được nhiều người ưa thích.

Chị Vũ Thị Bích Hằng, chủ quán cho hay, gần 20 năm trước, vợ chồng chị khởi nghiệp bằng quán ăn này. Ngay từ những ngày đầu, quán đã phục vụ cả nem nướng Ninh Hòa (Khánh Hòa) và bún sứa. Tuy nhiên, do chưa quen nên khách vào quán chỉ gọi nem nướng vì sợ ăn bún sứa có thể gây ngứa. Vì vậy, chị phải “năn nỉ” khách ăn thử miễn phí với cam kết an toàn. “Nghe vậy, nhiều thực khách mới dám gật đầu ăn thử rồi “nghiện” bún sứa lúc nào không hay. Họ dần trở thành khách “ruột” của quán gần 20 năm nay”, chị Hằng nói.

Theo chị Hằng, nguyên liệu nấu bún của quán được thực hiện theo quy trình khép kín ngay trong gia đình. Ba, mẹ, cô, dì, chú, bác bên chồng chị đều ở Nha Trang và có ghe đi biển. Ba mẹ làm muối, dì làm nước mắm, cô thì làm chả cá còn sứa được đánh bắt và sơ chế sạch tại Nha Trang. Sau khi sơ chế, các nguyên liệu này được đóng trong thùng đá rồi gửi xe khách từ Nha Trang vào Vũng Tàu mỗi ngày nên bảo đảm độ tươi, ngon. Vì vậy, món ăn mang lên phục vụ khách cũng tươi, ngon và mang hương vị đậm đà của biển.

Anh Nguyễn Quốc Thiện, chồng chị Hằng là đầu bếp của quán. Anh cho hay, sứa ăn được có 2 loại là sứa tai và sứa chân. Sứa tai có hình dáng như cây nấm, mập căng, còn sứa chân là phần tua bên dưới, có dạng sợi, dai và giòn hơn. Sứa chân màu trắng đục, giòn như “sụn” nên là món khoái khẩu của nhiều khách quen. Về quy trình chế biến, sứa vừa bắt lên được ngư dân chà rửa cho sạch nhớt ngay trên biển. Sau đó, khi đưa vào bờ, sứa được ngâm nước và xả nhiều lần trong nước hoặc dùng chanh để khử độ mặn, bảo đảm sạch và vị ngon. Nước dùng được ninh từ xương heo trong nhiều giờ. Nước dùng ngon phải bảo đảm độ trong, không mỡ, béo và có vị ngọt thanh.

Để minh chứng cho những lời giới thiệu của mình, anh Thiện chế biến mấy tô bún sứa nóng hổi mời khách dùng thử. Trước tiên, anh trụng bún qua nước sôi rồi cho vào tô, sau đó đặt những miếng sứa cùng vài lát chả cá và rắc ít đậu phộng rang lên mặt bún rồi chan nước dùng. “Bún sứa phải ăn cùng chả cá và rau sống (xà lách, giá, bắp cải, bắp chuối, rau thơm…) thái nhỏ mới ngon. Người thích ăn cay thì thêm ớt xay hoặc ớt thái lát, vắt thêm mấy giọt chanh và nhỏ mấy giọt nước mắm cốt cho vị thêm đậm đà”, anh Thiện hướng dẫn. 

Khách thưởng thức món bún sứa tại quán 79 Nha Trang.
Khách thưởng thức món bún sứa tại quán 79 Nha Trang.

Gắp đũa bún lẫn miếng sứa và miếng chả cá đưa vào miệng nhai, cảm giác giòn dai, vị ngọt của sứa và chả cá, pha lẫn vị béo của đậu phộng, vị cay của ớt… đọng lại tê tê nơi đầu lưỡi. Những sáng cuối năm, tiết trời se lạnh, dùng bữa điểm tâm bún sứa thấy người thêm ấm áp, tràn đầy năng lượng, hứa hẹn một ngày làm việc hiệu quả. 

Chị Vũ Xuân Mai (phường 1, TP. Vũng Tàu) là khách quen của quán. Chị vui vẻ nhận xét: “Sứa dai, vị ngọt, chả cá và nước chấm ngon, vừa miệng, chủ quán lại thuộc lòng sở thích của khách nên tôi rất hài lòng và trở thành khách quen của quán ngay sau lần đầu dùng thử”.

Bài, ảnh: LÊ HOÀNG

;
.