Kỳ 4: Lãng mạn "pha lẫn trầm tư" ở Cà phê Côn Sơn
Muốn trải nghiệm nắng, gió và đón ban mai lãng mạn cùng Côn Đảo trong một không gian hữu tình biển - núi thì ít có nơi nào phù hợp hơn quán Cà phê Côn Sơn.
Côn Sơn đúng nghĩa là góc quán đầy nắng và gió - nơi trải nghiệm tuyệt vời vẻ đẹp hữu tình của Côn Đảo. |
Nằm ngay góc đường Tôn Đức Thắng và Lê Duẩn, phía sau là Di tích lịch sử Nhà Công quán, phía trước là Di tích Cầu tàu 914, Cà phê Côn Sơn là chỗ dừng chân tuyệt vời của du khách nếu muốn trải nghiệm một chút tĩnh lặng bên cạnh nét cổ kính, trầm tư của di tích lịch sử và sự hài hòa biển - núi.
Sở hữu một không gian đắc địa, khuôn viên được phủ bóng bởi những cây bàng cổ thụ có tuổi đời trăm năm, Côn Sơn vì thế, với nhiều du khách, cà phê chỉ là thứ yếu, không gian mới là tất cả. Tuy nhiên, không phải vì thế mà quán xem nhẹ việc chăm chút đồ uống. Nói riêng về cà phê, quán có thể phục vụ bạn từ một ly cà phê thuần Việt đến một ly Espresso với hương vị đậm đặc mang phong cách Italia. Đây là điều không dễ kiếm tìm ở một hòn đảo vốn rất xa xôi với đất liền.
Quán cà phê Côn Sơn cũng luôn nằm trong top đầu các quán được khách du lịch “check-in” khi đến Côn Đảo. Chị Nguyễn Giang Nam (phường 4, TP. Vũng Tàu) cho hay: “Tôi trở lại Côn Đảo sau 10 năm. Côn Đảo nhiều đổi thay nhưng có góc quán cà phê Côn Sơn vẫn khiến tôi đắm say. Quán như một cái ban công lớn của Di tích Nhà Công quán. Ngồi ở quán nhưng vẫn cảm nhận được vẻ trầm mặc của một Côn Đảo huyền bí ngay sau lưng hay ở đâu đó quanh mình”.
Bà Phạm Thị Tám, Trưởng Ban quản lý Di tích lịch sử huyện Côn Đảo cho biết, quán cà phê Côn Sơn có từ 14 năm nay, theo “Đề án kinh doanh dịch vụ công” của huyện. Chính vì vậy, chủ quán cà phê này không chỉ kinh doanh, phục vụ du khách mà còn phải đảm nhận luôn nhiệm vụ trông coi, gìn giữ khu vực phía trước Di tích Nhà Công quán.
Theo ông Bùi Lương Rân - chủ quán Côn Sơn - vì đam mê các giá trị lịch sử nên ông đặt tên quán là Côn Sơn, vốn là tên gọi xưa của Côn Đảo. Theo ông Rân, quán sẽ không có gì đặc biệt nếu không gắn liền với Di tích Lịch sử Nhà Công quán, không có cầu tàu lịch sử trước mặt và hàng cây bàng cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng. Bởi những vẻ đẹp của thời gian đó nên khi đầu tư làm quán, ông không thể hời hợt được. Ông đầu tư những bộ bàn ghế gỗ có thể phục vụ cùng lúc cho hàng trăm khách ghé quán. Đặc biệt, dòng nhạc của quán chỉ có duy nhất nhạc Trịnh. Về thức uống, quán chủ yếu phục vụ cà phê, sinh tố và các loại nước giải khát với mức giá dao động từ 20.000-50.000 đồng/ly. Quán mở cửa phục vụ từ 7 giờ sáng đến 22 giờ 30 phút hàng ngày.
Ngoài lượng khách du lịch yêu thích không gian êm đềm, cổ kính của quán, cà phê Côn Sơn cũng được nhiều người dân trên huyện đảo yêu thích. Theo ông Rân, điểm đặc biệt của quán cà phê Côn Sơn là ngoài những ngày phục vụ cà phê, nước uống giải khát cho khách thì khi cần quán sẽ là nơi trưng bày hình ảnh các sự kiện chuyên đề của Ban Quản lý Di tích lịch sử huyện Côn Đảo.
Bài, ảnh: QUANG VŨ