Ký ức hào hùng về Ban Tuyên huấn
Theo yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng, cùng với việc sát nhập và chia tách địa giới, Ban Tuyên huấn Bà Rịa - Long Khánh - Biên Hòa cũng nhiều lần tách, nhập. Tuy vậy, dù ở bất cứ hoàn cảnh và vị trí công tác nào, các cán bộ tuyên huấn vẫn không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và cách mạng giao cho, nắm chắc phương châm “công tác tư tưởng là then chốt”.
Nối tiếp truyền thống, các cán bộ tuyên giáo tiếp tục phát huy, làm tốt vai trò trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Trong ảnh: Đoàn báo cáo viên cấp tỉnh do ông Nguyễn Văn Xinh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm việc thực tế tại Công ty TNHH Posco SS Vina (KCN Phú Mỹ 2). Ảnh: DIỄM QUỲNH |
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy bao gồm các bộ phận: thông tin tuyên truyền, tuyên truyền xung phong, huấn học, điện ảnh, giáo dục… Trong những năm hoạt động, các cán bộ chiến sĩ của ban đã có những đóng góp không nhỏ vào thắng lợi chung của sự nghiệp cách mạng. Không chỉ trên mặt trận tư tưởng- văn hóa, mỗi cán bộ nhân viên Ban Tuyên huấn còn là một chiến sỹ thực thụ trên chiến trường, đánh địch, chống càn, tham gia chiến dịch, tuyên truyền xung kích, tải đạn… Vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đội ngũ những người làm công tác tuyên huấn luôn làm tốt vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, góp phần vào ngày giải phóng quê hương, đất nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 175 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Ban Tuyên huấn hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến.
Trong từng thời kỳ, ngoài mũi quân sự, Ban Tuyên huấn còn chủ trương đẩy mạnh công tác chính trị và binh địch vận. Nhà in phải thức xuyên đêm để in nhiều khẩu hiệu, truyền đơn, đưa sâu vào thị trấn, thị xã, vùng địch kiểm soát. Ngoài các loại truyền đơn, hiệu triệu, khẩu hiệu phải đưa bằng con đường “bất hợp pháp”, Ban Tuyên huấn còn in các tài liệu tuyên truyền, kêu gọi binh lính, sĩ quan ngụy trở về với cách mạng bằng tài liệu hợp pháp… Họa sĩ Lê Minh, hiện đang sinh sống tại TP. Vũng Tàu, bồi hồi nhớ lại: Ngày ấy, ông phụ trách mảng hội họa, in ấn tài liệu tuyên truyền xuống cơ sở, thế nhưng khi chiến dịch cần thì lại đi tải đạn, tải gạo. Nhớ nhất là năm 1969, lúc đó Mỹ đánh liên tục, đơn vị dời địa điểm, đói, khát phải ăn lá rừng; nhúm gạo cũng chia nhau nhai để cầm hơi. Thế nhưng ý chí, lòng kiên định đánh giặc thì vẫn nung nấu trong mỗi người.
Cuối tháng 4/1975, Cán bộ nhân viên Ban Tuyên huấn được chia làm 2 cánh, về tiếp quản TX. Bà Rịa và TP. Vũng Tàu. Cánh về TX. Bà Rịa do đồng chí Trần Văn Thanh (Chín Thanh), Phó Trưởng ban và Lê Minh (Ủy viên ban) phụ trách. Cánh về Vũng Tàu đã được điều đi trước đó, do ông Đỗ Quốc Hùng, Trưởng ban phụ trách. Từ ngày 20/4/1975, ông Đỗ Quốc Hùng đã được cử vào bám trụ nội ô Vũng Tàu để tổ chức lực lượng, tuyên truyền, phát động quần chúng phối hợp với mũi tiến công vũ trang nổi dậy giải phóng quê hương.
Tháng 1/1976, theo quyết định của Bộ Chính trị, 2 tỉnh Biên Hòa, Bà Rịa - Long Khánh và TP. Vũng Tàu hợp nhất thành tỉnh Đồng Nai. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đặt tại TP. Biên Hòa.
Tháng 5/1979, Quốc hội đã quyết định thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo trực thuộc Trung ương. Ông Đỗ Quốc Hùng là Trưởng ban Tuyên giáo; ông Nguyễn Văn Lê, Đặc khu ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực; ông Nguyễn Xuân Sơn (cán bộ Trung ương chi viện) là Phó Trưởng ban; ông Huỳnh Hùng Lý (cán bộ Trung ương chi viện) là Phó Trưởng ban. Ông Đoàn Ngọc Giao (từ Đồng Nai chuyển về) là Phó Trưởng ban kiêm quyền Tổng biên tập Báo Vũng Tàu - Côn Đảo.
Năm 1991, khi thành lập tỉnh BR-VT trên cơ sở tách từ tỉnh Đồng Nai thì 2 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và BR-VT được thành lập. Tuy nhiên, những đóng góp của đội ngũ cán bộ, nhân viên Tuyên huấn Biên Hòa - Bà Rịa - Long Khánh mãi mãi là hình ảnh đẹp, đáng trân trọng, được các thế hệ tuyên giáo sau này nối tiếp, tri ân.
MINH LONG
(Tổng hợp từ các tư liệu và cuốn
“Ký ức tuyên huấn Biên Hòa, Bà Rịa-Long Khánh, 1930-2015”)