Trong sự nghiệp sáng tác âm nhạc, đôi khi chỉ cần có vài tác phẩm cũng đủ để người nhạc sĩ được công chúng biết đến, yêu mến. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc (SN 1949, hiện ngụ phường Long Toàn, TP.Bà Rịa) đã có 2 ca khúc làm nên tên tuổi của ông, đó là: “Về đây nghe em” và “Có phải em mùa thu Hà Nội” ra đời gần 50 năm qua và còn mãi theo cùng năm tháng.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc lúc còn khỏe mạnh. |
Tác giả của 2 ca khúc nổi tiếng “Về đây nghe em” và “Có phải em mùa thu Hà Nội” - Nhạc sĩ Trần Quang Lộc giờ tuổi đã cao, không còn đủ sức khỏe để sáng tác kéo dài “gia tài âm nhạc” hơn 500 bài hát của mình. Hiện, ông đang chống chọi từng ngày với căn bệnh ung thư bàng quang quái ác, nằm nghỉ dưỡng trong căn nhà cấp 4 nằm cuối con hẻm nhỏ trên đường Trương Hán Siêu, phường Long Toàn, TP.Bà Rịa.
Mặc dù đang mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng khi chúng tôi đến thăm, nhạc sĩ Trần Quang Lộc rất vui, nén cơn đau để trò chuyện, tâm sự trải lòng về các tác phẩm âm nhạc của mình. Nhạc sĩ kể, năm 1972, ông viết bài “Có phải em mùa thu Hà Nội” lúc đang là sinh viên Trường Quốc gia âm nhạc Huế. Nguyên cớ là vào kỳ nghỉ hè năm đó, ông về thăm cha mẹ sinh sống tại Đà Nẵng. Trái tim chàng thanh niên rung cảm trước giọng nói trong trẻo, đầy âm sắc của các cô gái Hà Nội theo gia đình di cư vào xóm đạo gần nhà cha mẹ ông. Khi được người bạn - nhà thơ Tô Như Châu tặng bài thơ mới viết về Hà Nội, có chung cảm xúc, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã lựa chọn những tứ thơ hay nhất để sáng tác nên một ca khúc tuyệt vời, với các ca từ lay động hồn người:
Tháng Tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ?
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm…
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Ngày sang thu anh lót lá em nằm
Bên trời xa sương tóc bay...
Sau này, nhiều người biết đến ca khúc “Có phải em mùa thu Hà Nội” qua giọng hát các ca sĩ Hồng Nhung và Thu Phương, nhưng người đầu tiên hát bài này trước năm 1975 là nữ danh ca Thái Thanh.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc lúc còn khỏe mạnh. |
Trước đó, khi mới 21 tuổi, chàng sinh viên Trường Quốc gia âm nhạc Huế cũng đã viết ca khúc “Về đây nghe em” phổ thơ A Khuê vào năm 1970, khá nổi tiếng từ những năm 1975. Nhạc sĩ Trần Quang Lộc cho biết, đó là sự bày tỏ nỗi niềm của một chàng trai với cô gái, mang cảm xúc dạt dào của tình yêu đôi lứa:
Về đây nghe em, về đây nghe em!
Về đây mặc áo the, đi guốc mộc
Kể chuyện tình bằng lời ca dao
Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới
Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai
Và về đây nghe lại tiếng xưa…
Bài hát này cũng được nữ danh ca Thái Thanh trình bày đầu tiên, ngay lập tức thu hút sự yêu mến của công chúng. Tiếp đến là nam danh ca Elvis Phương “thổi hồn” vào ca nhúc bằng chất giọng rất riêng của mình. Sau này, rất nhiều ca sĩ cũng hát bài này khá thành công như Thanh Thúy, Thu Phương, Hồng Nhung, Quang Linh… tiếp tục làm cho bài hát đi vào lòng những người yêu thể loại nhạc trữ tình.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc, SN 1949 tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Do chiến tranh, gia đình ông vào Đà Nẵng sinh sống. Nhưng ông lại ra Huế học nhạc tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế. Sau khi tốt nghiệp, ông vào Sài Gòn tiếp tục theo học một khóa ngắn hạn về thanh nhạc ở Nhạc viện Sài Gòn. Từ đó, “gia tài âm nhạc” của ông mỗi ngày càng nhiều thêm, trong đó có nhiều ca khúc hay, trữ tình, như: “Em còn nhớ Huế không?”, “Ngày xưa hai đứa”, “Võng đưa tình cũ”…
Năm 2000, nhạc sĩ Trần Quang Lộc cùng gia đình về định cư tại TP.Bà Rịa, mở lớp dạy nhạc, lập phòng thu tại nhà. Năm 2014, nhạc sĩ phát bệnh ung thư bàng quang, sau nhiều lần phẫu thuật, ông yếu đi rất nhiều, không còn đủ sức khỏe sáng tác và dạy nhạc. Nhưng hiện trong nhà của nhạc sĩ, từ bàn làm việc, đến các bản thảo tác phẩm âm nhạc, phòng thu, các loại nhạc cụ… vẫn được ông giữ nguyên, để hoài niệm về những tháng ngày miệt mài tìm tứ thơ, thả hồn vào những nốt thăng trầm của một đời người.
THANH NGỌC