Trong kháng chiến chống Mỹ, sau phong trào Đồng Khởi - Bến Tre, trên khắp miền Nam đã hình thành những “Đội quân tóc dài” hoạt động rất hiệu quả. Tại Bà Rịa - Long Khánh, một đội quân tóc dài gồm những mẹ, những chị, những người nông dân bình dị cũng đã được lập nên. Họ không chỉ che chở, nuôi dưỡng, tiếp tế lương thực cho bộ đội mà còn trực tiếp lập chiến công.
Đại biểu phụ nữ Bà Rịa - Long Khánh dự hội nghị Phụ vận miền Đông tại căn cứ Khu ủy miền Đông ngày 3/7/1974. (Ảnh tư liệu) |
Đội quân tóc dài ra đời trong phong trào Đồng khởi của tỉnh Bến Tre năm 1960 sau khi có Nghị quyết Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam số 15 mở ra con đường đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang của những người cộng sản miền Nam, phát động hàng chục triệu lượt quần chúng nổi dậy thành cao trào Đồng khởi.
Phong trào bắt đầu bùng nổ ngày 17/1/1960 tại 3 xã: Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Sau đó phong trào đã lan rộng ra 47 xã thuộc 6 huyện của tỉnh Bến Tre. Dưới sự lãnh đạo của tỉnh ủy Bến Tre, lực lượng phụ nữ này đã giành quyền kiểm soát 22 xã, phá Ấp chiến lược, giành quyền làm chủ cho 22 xã khác. Trong cuộc nổi dậy này, đã xuất hiện người nữ lãnh đạo tài năng là bà Nguyễn Thị Định. Từ đó, nữ tướng Nguyễn Thị Định trở thành một nhà lãnh đạo và biểu tượng của “Đội quân tóc dài”. Tên tuổi của bà đã gắn liền với “Đội quân tóc dài” và phong trào đấu tranh của phụ nữ ở miền Nam Việt Nam.
Danh xưng “Đội quân tóc dài” bắt nguồn từ chính sự khiếp sợ của viên Đại tá, Chỉ huy trưởng cuộc hành quân Nguyễn Văn Y khi y thốt lên: “Thôi đành phải chịu thua đội quân tóc dài”.
“Đội quân tóc dài” không chỉ dừng ở Bến Tre. Tại các tỉnh miền Đông, trong đó có BR-VT, lần lượt Ban Chấp hành Phụ nữ xã, huyện, tỉnh được thành lập. Tháng 4/1962, Đại hội Phụ nữ miền Đông lần thứ I được tiến hành tại căn cứ chiến khu Đ, đã bầu được 13 ủy viên đại biểu cho các tỉnh, các thành phần hiệp hội.
Vào thời điểm đó, nội dung và hình thức đấu tranh cũng như việc tổ chức đội ngũ của Đội quân tóc dài luôn luôn thay đổi, biến hóa linh hoạt và sáng tạo để thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể. Cách thức hoạt động của họ chưa được ghi trong một "binh thư" nào từ trước đến nay. Ngoài các cuộc đấu tranh trực diện, các “Đội quân tóc dài” còn tổ chức các cuộc bãi thị, đình công, vận động quân đội Mỹ và quân lực VNCH bỏ ngũ, góp phần gây tiêu hao sinh lực họ.
Với những hoạt động tài tình, “Đội quân tóc dài” được đánh giá “Có sức níu cánh máy bay, bịt nòng đại bác, chặn đứng chiến xa và bẻ gãy hành quân càn quét của địch”.
Mỗi bà mẹ, mỗi chị là một cơ sở ở sát ngay nách địch bằng nhiều phương thức hoạt động phong phú, với tinh thần anh dũng, kiên trung, không chịu khuất phục trước mọi khó khăn. Trong đó, có những gương mặt tiêu biểu như má Năm Côn ở TX.Phú Mỹ, 53 tuổi gánh 60kg gạo vượt qua trạm kiểm soát của địch vào căn cứ bộ đội một cách an toàn. Hay má Diệu, dì Sáu Tuyết, chị Bảy Khánh, chị Năm Trinh… và nhiều chị em phụ nữ khác đã gan dạ chiến đấu ngay trong lòng địch, dù bị bắt bớ, tù đày, tra tấn dã man nhưng các chị vẫn kiên định, giữ vững phẩm chất, khí tiết cách mạng để đấu tranh giành độc lập. Nhiều người trong số họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho quê hương, cho Tổ quốc mà lỡ cả hạnh phúc riêng.
Theo bà Lê Thị Thanh Mai, cựu giao liên hoạt động vùng đô thị Vũng Tàu, với hình thức đấu tranh đa dạng, Đội quân tóc dài đã làm giặc không ít lần khiếp sợ. Tiêu biểu có thể kể đến cuộc diễu hành rầm rộ vạch tội ác của 2 tên chỉ điểm, đốt 500 ngọn đuốc biểu dương lực lượng của 500 chị em xã Hòa Long.
Suốt cả giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, “Đội quân tóc dài” đã kiên cường và liên tục đấu tranh phá ấp chiến lược, chống bình định nông thôn, chống hành quân càn quét, chống phi pháo hủy diệt và dồn quân bắt lính của Mỹ ngụy. Sự hy sinh tuổi thanh xuân của các chị, các mẹ của “Đội quân tóc dài” đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
THU HUYỀN