Miếu bà Khâm Sai đậm nét văn hóa tâm linh cộng đồng

Thứ Hai, 24/02/2020, 21:20 [GMT+7]
In bài này
.

Miếu bà Khâm Sai, ở số 95, đường Huyền Trân Công Chúa, phường 8, TP.Vũng Tàu được xây dựng gần 100 năm qua. Đây là nơi thường tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh cộng đồng của người dân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu cho đất nước luôn yên bình, dân cư ấm no, hạnh phúc.

Bên trong chánh điện miếu Bà Khâm Sai thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, nơi đây được người dân địa phương tới dâng hương, thờ phụng.
Bên trong chánh điện miếu Bà Khâm Sai thờ Cửu Thiên Huyền Nữ, nơi đây được người dân địa phương tới dâng hương, thờ phụng.

Theo ông Hồ Văn Thông, Hội trưởng kiêm Trưởng Ban tế tự miếu Bà Khâm Sai cho biết, miếu được xây dựng vào đầu những năm 30 của thế kỷ XX và có tên gọi là Dinh Bà Nương Nương, tọa lạc trên vùng đất do một vị quan khâm sai triều đình nhà Nguyễn có công khai phá. Trước đây, do vùng đất này thường xuyên lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô, nên vị quan khâm sai đã cho quân lính đào đất, đắp bờ tạo thành một hồ lớn để tích trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt của người dân và nuôi ngựa chiến. Người dân quanh vùng đặt tên cho hồ nước này là bàu Khâm Sai.

Miếu Dinh Bà Nương Nương nằm trong vùng đất bàu Khâm Sai, nhưng vì gọi tên Dinh Bà Nương Nương khó nhớ, khó tìm, nên từ thập niên 50 thế kỷ XX , miếu được đổi tên thành miếu Bà Khâm Sai. Qua nhiều năm, do sự phát triển của vùng đất này, bàu Khâm Sai được san lấp, trở thành nơi tập trung đông dân cư, nay là khu vực phường 8, TP.Vũng Tàu. Miếu Bà Khâm Sai cũng trở thành một nơi thờ phụng đặc trưng của người dân địa phương và du khách vào các dịp lễ hội. 

Cổng tam quan của miếu Bà Khâm Sai.
Cổng tam quan của miếu Bà Khâm Sai.

Miếu Bà Khâm Sai có diện tích hơn 1.000m2. Các công trình kiến trúc của miếu được xây dựng gồm cổng tam quan, gian chính điện, nhà khách, nhà bếp, nhà kho và nhà hậu cần. Tới Miếu bà Khâm Sai, qua khỏi cổng tam quan, bước vào sân miếu bên trái là nhà thờ các vị tiền hiền, là những bậc tiền nhân có công xây dựng và giữ gìn miếu. Đi tới chánh điện, phía trước chánh điện là bàn thờ ngũ hành với 5 bà hội đồng nội mang một vẻ nghiêm trang. 

Trong chánh điện, tượng bà Cửu Thiên Huyền Nữ được đặt trang trọng, đầu đội mũ phượng, áo choàng thêu hoa. Điệu ngồi của bà khoan thai mà toát lên một vẻ uy nghi. Bên tả thờ Quan Thánh, Tiên sư; bên hữu thờ bà Bố, bà Cố là những vị phù trợ độ trì cho mạng nam và mạng nữ của con người. Kế chánh điện là miếu cô, miếu cậu, thờ những vị trung trinh liệt nữ đã có công bảo vệ quê hương, đất nước. Trong Miếu bà Khâm Sai còn có miếu ông địa thờ ngũ phương ngũ thổ; miếu ông hổ thờ Ngũ hổ thần tướng và miếu thờ chiến sĩ. 

Ông Hồ Văn Thông cho biết, qua thời gian, trước sự xuống cấp và không bảo đảm cho việc thờ tự, Miếu bà Khâm Sai đã trải qua nhiều đợt trùng tu, nâng cấp. Theo đó, năm 1947, gian chánh điện thờ bà Cửu Thiên Huyền Nữ được ưu tiên sửa chữa. Phần vách lợp bằng lá được thay mới bằng tường xi măng, quét vôi; mái ngói âm dương được thay bằng tôn. Năm 1971, Ban tế tự Miếu bà Khâm sai cho xây thêm sân khấu phục vụ các hoạt động múa hát vào các dịp lễ hội. Kinh phí trùng tu, xây dựng miếu được hơn 2.800 hội viên Hội miếu Bà Khâm Sai và người dân địa phương đóng góp. 

Ông Trần Văn Khanh (52 tuổi, phường 8, TP.Vũng Tàu) có hơn 15 năm đảm nhiệm việc chăm nom, quét dọn và bảo quản miếu cho hay, hàng năm Miếu bà Khâm Sai đón rất nhiều lượt khách tới thờ phụng, dâng hương và tham quan. Mỗi năm, Miếu bà Khâm Sai có các lễ cúng theo Âm lịch như: cúng Thượng ngoan vào rằm tháng Giêng, cúng Đoan ngọ ngày mùng 5 tháng 5, cúng Trung ngoan vào ngày rằm tháng 7 và Hạ ngoan vào rằm tháng 10. Ngoài ra, tại Miếu bà Khâm Sai hàng năm đều tổ chức lễ cầu an vào 3 ngày 9, 10 và 11 tháng 11 Âm lịch. 

Ông Lê Văn Thắm, Hội viên phụ trách các nghi thức lễ hội Miếu bà cho biết, từ trước đến nay, các nghi thức trong lễ hội Miếu bà Khâm Sai đều được lưu truyền theo hình thức truyền miệng. “Dù đã trải qua gần trăm năm, trong nghi lễ Miếu bà Khâm Sai có nhiều nét đổi mới như có thêm phần hát bội của các gánh hát được Ban tế tự mời về biểu diễn, nhưng lễ cầu an hàng năm vẫn được giữ nguyên những ý nghĩa tốt đẹp là cầu cho đất nước thanh bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt để đời sống nhân dân được an cư, lạc nghiệp, phồn vinh”, ông Lê Văn Thắm cho hay.

Bài, ảnh: NGỌC BÍCH

 
;
.