Chuyện về ngôi nhà nơi viên quan người Pháp che giấu cán bộ cách mạng

Thứ Sáu, 21/02/2020, 20:15 [GMT+7]
In bài này
.

Di tích cấp Quốc gia nhà 86 Phan Chu Trinh (hiện nay là số 5 Phan Chu Trinh, phường 2, TP.Vũng Tàu) từng là nhà của viên quan tư người Pháp Pierre Chappus (SN 1878) nằm trên đường Phan Chu Trinh, dưới chân Núi Nhỏ. Ngôi nhà được xây dựng theo lối kiến trúc cũ đầu thế kỷ 20 của Pháp. Trong thời kỳ chiến tranh, ngôi nhà này từng là nơi nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia - ngôi nhà 86, Phan Chu Trinh  (phường 2, TP.Vũng Tàu).
Di tích lịch sử cấp Quốc gia - ngôi nhà 86, Phan Chu Trinh (phường 2, TP.Vũng Tàu).

Theo lời kể của ông Mai Văn Ba (cán bộ hưu trí, ngụ phường Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) là họ hàng với người vợ thứ của ông Pierre Chappus: Ông Pierre Chappus có cha là người Pháp, mẹ là người Việt Nam. Ông là quan tư của chính quyền Pháp, chủ Sở Hải Đăng Vũng Tàu. Ngôi nhà của ông Pierre Chappus lúc đó tường xây bằng đá xanh, mái lợp ngói tọa lạc trên mảnh đất chiếm khoảng 100m mặt tiền đường Phan Chu Trinh và sâu vào 80m. Chung quanh nhà có nhiều cây ăn trái như dừa, xoài, mãng cầu, vú sữa, ổi, chanh… Phía sau nhà có hồ sen rất lớn và một cây vải thiều cỡ hai người ôm. 

Ông Pierre Chappus tuy là quan chức của Pháp, nhưng ông lại có cảm tình với cách mạng Việt Nam, đặc biệt rất kính trọng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong lúc điều kiện vật chất, đời sống vô cùng khó khăn, ông ủng hộ cho Việt Minh tiền của, lúa gạo, cùng 50 con bò. Ông đã sử dụng ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh của mình làm nơi nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật, trong đó có đồng chí Nguyễn Hoài Đức, Thị đội trưởng Vũng Tàu. Thời bấy giờ, nhà ông Pierre Chappus luôn nuôi 5-7 con chó, mỗi con đặt một cái tên, mỗi khi nghe tiếng người lạ tới thì bầy chó sủa đánh động ở cửa trước, các đồng chí cán bộ liền len lỏi theo vườn cây ăn quả thoát ra bằng cửa sau. Những trường hợp là người quen (cán bộ) vào cổng, chó sủa, ông chỉ việc kêu tên từng con một là chúng nằm im không sủa. 

Di tích lịch sử cấp Quốc gia - ngôi nhà 86  Phan Chu Trinh (phường 2, TP.Vũng Tàu).  Ảnh: HUYỀN TRANG
Di tích lịch sử cấp Quốc gia - ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh (phường 2, TP.Vũng Tàu). Ảnh: HUYỀN TRANG

Thời kỳ chống Mỹ, ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh được ông Pierre Chappus đồng ý cho cách mạng đặt làm Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh, thể hiện tấm lòng đầy thiện cảm đối với cách mạng Việt Nam. Ông cảm động nói với các cán bộ: “Các chú cứ lấy nhà tôi mà làm việc, rủi khi tôi có bị địch bắt mà chết thì đó cũng là một vinh dự cho tôi được chết cho cách mạng Việt Nam”. 

Năm 1957, Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh chính thức đặt tại nhà ông Pierre Chappus. Thường trực Văn phòng gồm đồng chí Trịnh Phong Đán và đồng chí Hồ Sĩ Hành. Lúc này, nhà ông Pierre Chappus nuôi 10 con chó, đây là “lực lượng” quan trọng trông giữ nhà rất hữu hiệu, bảo vệ an toàn cho cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Tới cuối năm 1958, Văn phòng Tỉnh ủy Bà Rịa - Long Khánh phải chuyển đi nơi khác để bảo đảm bí mật, nhưng ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh vẫn là cơ sở để cán bộ lui tới nhờ sự giúp đỡ, vận động tiền và vật chất cho cách mạng. Ông Pierre Chappus mất vào năm 1959 ngay tại căn nhà 86 Phan Chu Trinh, thọ 81 tuổi. 

Ông Võ Quý Khanh, Phó Phòng VH-TT TP.Vũng Tàu cho biết, ngày 4/8/1992, ngôi nhà 86 Phan Chu Trinh được Bộ VH-TT-DL công nhận là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 983 VH/QĐ. Ngày 6/6/2006, UBND tỉnh ban hành văn bản giao cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh quản lý di tích nhà 86 Phan Chu Trinh và 1.000m2 đất xung quanh nhằm phát huy giá trị lịch sử cách mạng. Ngày 4/12/2009, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh và Trường TH Đoàn Kết TP.Vũng Tàu đã ký kết phối hợp chăm sóc di tích 86 Phan Chu Trinh. Theo đó, vào những dịp lễ, Tết, Trường TH Đoàn Kết thường tổ chức cho các em học sinh đến dọn dẹp vệ sinh và tham quan nhà 86 Phan Chu Trinh, đồng thời giới thiệu cho các em về lịch sử đấu tranh giữ nước trường kỳ và hào hùng của dân tộc.

Bài, ảnh: HUYỀN TRANG

 
;
.