Hành động quyết liệt để gỡ "thẻ vàng" thủy sản
2 năm qua, thủy sản nước ta bị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng “thẻ vàng” cảnh cáo. Đến nay, “thẻ vàng” vẫn chưa gỡ bỏ được, do tình trạng vi phạm khai thác hải sản trái phép diễn biến phức tạp, vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc phỏng vấn với ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh về vấn đề này.
Thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ việc ghi nhật ký và truy xuất nguồn gốc đánh bắt thủy sản. Trong ảnh: Ngư dân tại cảng Bến đá (TP. Vũng Tàu) lấy cá từ khoang tàu mới cập bến. |
* Phóng viên: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai các giải pháp gì để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EU, thưa ông?
- Ông Lê Tòng Văn: Ngành thủy sản và các địa phương ven biển của tỉnh đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, không chỉ với mục tiêu xóa bỏ “thẻ vàng” mà còn phát triển bền vững ngành đánh bắt, chế biến thủy sản của tỉnh. Cụ thể, cơ quan chức năng đã tổ chức tổng cộng 42 lớp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và 2 hội thảo về chống đánh bắt bất hợp pháp (IUU- hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) cho cán bộ thủy sản, DN và bà con ngư dân. Cùng với đó, ngành thủy sản cũng đã thực hiện in ấn hơn 10.000 sổ nhật ký cho từng loại nghề khai thác, cấp phát hơn 10.000 tờ rơi cho các chủ tàu, thuyền trưởng, tổ chức cho ngư dân ký 6.000 bản cam kết không đưa tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp.
Về công tác kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm, tỉnh đã thành lập 6 Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá và thường xuyên thành lập các Đoàn kiểm tra việc chấp hành thực hiện IUU tại các cảng cá. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung kiểm tra 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; 20% tổng số tàu khai thác cá ngừ dài từ 15-24m, 10% tàu làm nghề lưới kéo... Lực lượng chức năng đã tổ chức hơn 25 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển, phát hiện xử lý 406 phương tiện tàu cá vi phạm Luật Thủy sản.
* Thưa ông, với những giải pháp trên, đến nay thực trạng quản lý tàu cá, chống đánh bắt bất hợp pháp đã có những chuyển biến như thế nào?
- Tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của cán bộ quản lý địa phương, cộng đồng ngư dân và DN đã được nâng cao. Các cảng cá bước đầu đã chấp hành thực hiện các quy định về công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, việc ghi chép sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ giấy tờ liên quan, thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy hải sản theo quy định. Việc ghi, nộp nhật ký khai thác, thu mua/chuyển tải của chủ tàu, thuyền trưởng có chuyển biến tốt. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cảng cá thực hiện 720 bộ hồ sơ/28.969 tấn thủy sản được xác nhận qua các cảng; 596 bộ hồ sơ/9.280 tấn thành phẩm được chứng nhận nguồn gốc thuỷ sản khai thác. Chủ tàu cá, ngư dân bước đầu đã chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Hiện đã có 806/2.898 tàu khai thác vùng khơi theo quy định đã lắp thiết bị thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh GPS, thiết bị giám sát hành trình.
* Dù vậy, ghi nhận trên thực tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn gì khi thực hiện các giải pháp khắc phục “thẻ vàng”. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
- Theo Luật Thủy sản vừa có hiệu lực, cảng cá có vai trò quan trọng trong việc giám sát đánh bắt. Tuy nhiên, việc kiểm soát tàu cá, thống kê và giám sát sản lượng thủy sản khai thác còn nhiều khó khăn như: Việc phân cấp quản lý cảng cá, bến cá chưa có sự thống nhất, dẫn đến những khó khăn trong công tác điều hành, kiểm tra xác nhận nguồn gốc thủy sản. Nhân lực, vật lực của Ban Quản lý một số cảng còn thiếu, yếu nên chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số cảng cá loại II chưa được công bố mở cảng vì điều kiện không đủ theo quy định. Các cảng cá loại III theo thẩm quyền giao cho UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá và công bố, tuy nhiên hiện đến nay đa số các địa phương chưa thực hiện được vì thiếu nhân lực, chưa bố trí được thời gian tổ chức kiểm tra, đánh giá. Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác hải sản trên biển còn nhiều khó khăn, lực lượng Thanh tra thủy sản thiếu phương tiện và nhân lực.
Về vĩ mô, Bộ NN-PTNT vẫn chưa hoàn thành Trung tâm giám sát tàu cá để phân cấp cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng; chưa công bố danh mục thiết bị giám sát hành trình đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để địa phương triển khai hướng dẫn cho ngư dân lắp đặt. Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản đã được Tổng cục Thủy sản phân quyền sử dụng, cập nhật cho tỉnh, tuy nhiên quá trình truy cập, truy xuất dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn, số liệu chưa chuẩn xác,… một số cảng cá chưa truy cập được để đối chiếu thông tin tàu cá.
* Trước thực trạng trên cho thấy ngành thủy sản cần có giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới để sớm khắc phục “thẻ vàng”, đó là những giải pháp gì, thưa ông?
- Trong thời gian tới, ngành thủy sản sẽ tiếp tục hành động quyết liệt nhằm xóa bỏ “thẻ vàng” của EU trong xuất khẩu thủy sản. Cụ thể, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh. Trước hết, bảo đảm hoàn tất công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá xa bờ theo quy định; thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn các cảng cá việc thực hiện công tác ghi chép sổ sách theo dõi tàu ra, vào cập cảng, thu sổ nhật ký khai thác, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác.
Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin vào chống IUU, cụ thể như triển khai thí điểm phần mềm xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; sắp xếp lại hồ sơ về quản lý, theo dõi đăng ký, đăng kiểm tàu cá, hoàn tất việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tàu cá; bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý tàu cá giữa Chi cục Thủy sản với tất cả các cảng cá trên địa bàn tỉnh và cả nước.
* Xin cảm ơn ông!
QUANG VINH
(thực hiện)