Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng do mưa liên tục

Thứ Năm, 24/07/2025, 13:26 [GMT+7]
In bài này
.

Hơn 1 tuần qua, mưa lớn, dông liên tục khiến nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp tại các vùng chuyên canh lúa, rau màu… trên địa bàn TPHCM bị ngập úng, sâu bệnh gây hại phát triển, ảnh hưởng đến quá trinh sinh trưởng của cây trồng.

Ghi nhận ngày 23/7 tại vùng chuyên canh rau xanh của nông dân các phường Long Hương, Tân Hải (TP. Hồ Chí Minh), nhiều diện tích rau ăn lá bị vàng lá, dập nát do mưa lớn. Theo người dân, do đặc tính thân mềm, rau dễ bị gãy đổ và dập lá khi gặp mưa lớn, nhất là trong giai đoạn sinh trưởng.

Mưa kéo dài, nước không thoát kịp khiến một số diện tích bị ngập úng, ảnh hưởng đến sản lượng. Để hạn chế thiệt hại, nông dân đã chủ động cơi luống cao, khơi thông rãnh thoát nước và chuẩn bị sẵn máy bơm di động để tiêu úng kịp thời.

Mưa nhiều nên rau xanh ở vùng chuyên canh phường Tân Hải, TPHCM bị vàng lá, dập. Trong ảnh: Nông dân phường Tân Hải nâng cao luống, phun xịt thuốc trừ sâu bệnh trên rau.
Mưa nhiều nên rau xanh ở vùng chuyên canh phường Tân Hải, TPHCM bị vàng lá, dập. Trong ảnh: Nông dân phường Tân Hải nâng cao luống, phun xịt thuốc trừ sâu bệnh trên rau.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, phường Long Hương, TP.HCM cho biết, việc canh tác rau trong mùa mưa luôn gặp nhiều khó khăn do rau dễ bị ngập úng, dập nát, sản lượng giảm từ 40–50% so với vụ mùa khô. “Như vườn rau của gia đình mới lên được khoảng 30cm thì liên tục gặp mưa nên bị dập, vàng lá. Rau hư hại, giảm năng suất”, bà Hà nói.

Vườn rau của ông Nguyễn Văn Biền, phường Tân Hải, TP.HCM cũng bị ngập úng, hư hỏng do mưa kéo dài. “Mùa mưa, rau trồng tại khu vực này thường bị ngập, sâu bệnh, hư hỏng rồi chết khiến sản lượng giảm. Trong khi đó, giá rau cũng giảm mạnh, chỉ còn 4.000–5.000 đồng/kg, sức tiêu thụ chậm nên nông dân thất thu”, ông Biền chia sẻ.

Không chỉ rau xanh, các ruộng lúa tại các vùng chuyên canh ở xã Long Điền, Đất Đỏ, Hồ Tràm, TP.HCM cũng bị ảnh hưởng do mưa dông liên tục nhiều ngày qua. Thời điểm này, lúa Hè Thu 2025 tại xã Long Điền, Đất Đỏ đã phát triển được khoảng 2 tháng, đang ở giai đoạn rước đòng. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài, thời tiết âm u tạo điều kiện cho sâu cuốn lá, sâu đục thân phát triển, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Để hạn chế thiệt hại, nông dân tăng cường phun thuốc phòng trừ sâu bệnh lây lan trên diện rộng.

Ông Phan Văn Võ, xã Long Điền, có 4 sào lúa mới trồng hơn 1 tháng và hơn 4ha lúa đang ở giai đoạn rước đòng. Những ngày gần đây, mưa gió liên tục khiến lúa bị đỏ lá, cháy bìa lá, sâu bướm, sâu đục thân tấn công. Ông Võ phải thường xuyên ra đồng theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, kịp thời phun thuốc phòng trừ sâu bệnh.

Nông dân xã Long Điền, TPHCM thăm ruộng và chăm sóc lúa Hè Thu.
Nông dân xã Long Điền, TPHCM thăm ruộng và chăm sóc lúa Hè Thu sáng 24/7.

“Cứ tình hình nắng mưa xen kẽ như vầy thì vài ngày nữa tôi phải xịt thuốc phòng trừ sâu bệnh, chứ không sâu đục thân, sâu cuốn lá sẽ tấn công, cây lúa sinh trưởng kém. Tình hình này năng suất vụ Hè Thu giảm vì mưa nhiều làm hạt lúa lép, dự kiến năng suất giảm khoảng 1 tấn/ha”, ông Võ thông tin.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phổ, xã Đất Đỏ, TP.HCM cũng cho biết, vụ Hè Thu này chi phí đầu tư cao, chủ yếu là tiền mua lúa giống. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều, sâu bệnh phát triển nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa, năng suất cũng sẽ giảm. Hiện ông phải tăng cường phun thuốc để phòng ngừa sâu bướm, sâu đục thân.

Tương tự, nhiều cánh đồng lúa tại xã Hồ Tràm, TP.HCM cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường. Mưa lớn liên tục, nền nhiệt thay đổi đột ngột khiến sâu bệnh phát sinh. Vì vậy, nông dân đang tăng cường phun xịt để phòng bệnh cho cây lúa.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua đã ảnh hưởng đến sản xuất lúa và rau màu của người dân. Bên cạnh đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, hiện trên Biển Đông đã xuất hiện cơn bão số 4, với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9–10 (75–102km/giờ), giật cấp 12, di chuyển theo hướng Đông Nam với tốc độ khoảng 10km/giờ. Trong những ngày tới, chiều, tối và đêm có mưa rào và dông rải rác; trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.

Ngành nông nghiệp và môi trường đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tăng cường các biện pháp phòng trừ dịch hại; chủ động theo dõi tình hình sâu bệnh để kịp thời phòng trừ, không để lây lan trên diện rộng. Đồng thời, ngành cũng khuyến cáo nông dân chuẩn bị các phương án phòng chống thiên tai để hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: VÂN ANH

;
.textlink_embed{ display: none; }
.