Ưu tiên phát triển cây trồng chủ lực

Thứ Năm, 10/04/2025, 17:34 [GMT+7]
In bài này
.

Ngành nông nghiệp và môi trường sẽ thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các loại cây công nghiệp chủ lực.

Nông dân huyện Xuyên Mộc chăm sóc tiêu.
Nông dân huyện Xuyên Mộc chăm sóc tiêu.

Chuyển dần sang quy trình trồng hữu cơ

Vườn tiêu 1,5ha của ông Hồ Văn Thư, ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã, huyện Châu Đức được trồng theo phương pháp hữu cơ. “Trước đây, việc sử dụng quá mức hóa chất trong canh tác truyền thống đã dẫn đến nhiều hệ lụy cho môi trường, đất đai nhanh chóng cằn cỗi và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Vì vậy, tôi đã chuyển sang chăm sóc theo hướng hữu cơ; nhờ đó giảm chi phí đầu tư, cây tiêu phát triển tốt và bán được giá hơn”, ông Thư nói.

Theo ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức, việc chuyển đổi lối canh tác theo chuẩn tiêu sạch, hữu cơ đã phần nào lấy lại vị thế của cây hồ tiêu. Qua kiểm tra thực tế của Hội Nông dân huyện, hiện nay phần lớn những hộ canh tác theo chuẩn tiêu sạch, hữu cơ đều có thu nhập ổn định, gắn bó lâu dài và có thể sống khỏe từ loại cây trồng này.

Hồ tiêu là cây chủ lực của tỉnh với diện tích hơn 10.300ha, vì vậy các ngành chức năng và địa phương đã hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao. Từ năm 2013 đến nay, dự án phát triển hồ tiêu bền vững trên địa bàn 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc với tổng diện tích 1.500ha do Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Hồ tiêu tỉnh và các DN như công ty Olam Việt Nam, công ty TNHH gia vị Việt Nam, công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam. Qua đó đã làm thay đổi thói quen canh tác, sản phẩm được các DN thu mua với giá cao hơn thị trường.

Cây cà phê cũng đã được nhiều hộ nông dân trồng mới, thay thế cây đã già cỗi, kém năng suất. Ông Võ Ngọc Thanh, thôn Sông Xoài 2, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức có 1,8ha cà phê giống xanh lùn và giống ghép trồng xen canh với cây sầu riêng. “Tôi cũng giảm bớt phân vô cơ, chuyển sang trồng theo hướng hữu cơ. Cách làm này không chỉ bảo vệ sức khỏe cho người trồng mà còn giúp cây phát triển bền vững.” ông Võ Ngọc Thanh cho hay.

Phát triển các loại cây trồng chủ lực

Toàn tỉnh hiện có hơn 10.300ha tiêu; hơn 6.800ha điều; gần 20.800ha cao su và hơn 2.550 ha cà phê. Đây là những loại cây trồng chủ lực, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, do đó, cần nhiều biện pháp để phát triển bền vững các loại cây trồng này.

 Ông Lâm Ngọc Nhâm, Chủ tịch Hội Hồ tiêu tỉnh cho biết, tiêu là một trong các loại cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân trong tỉnh. Hạt tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt tiêu đen. Đây là động lực để tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định vị thế ở thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, để cây tiêu phát triển bền vững cần có hướng phát triển đúng và đảm bảo tính bền vững. Đó là phải quy hoạch và tập trung vào vùng trồng có lợi thế cho cây tiêu phát triển; đồng thời giảm diện tích ở những nơi không phù hợp.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, đối với các cây chủ lực của địa phương như tiêu, ca cao, huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ cây giống cho bà con nông dân. Đồng thời quy hoạch vùng sản xuất tập trung, khuyến khích nông dân liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mới đây UBND tỉnh đã ký Quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhóm cây công nghiệp chủ lực cấp tỉnh gồm: cao su, hồ tiêu, điều; nhóm cây công nghiệp dài ngày chủ lực cấp quốc gia gồm: cao su, hồ tiêu, điều, cà phê.

Tỉnh ưu tiên phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương theo nhóm cây trồng chủ lực cấp quốc gia, nhóm cây trồng chủ lực cấp tỉnh. Cùng với việc xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; tỉnh cũng đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ để kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.