Tránh tiền mất, nợ mang từ cơn sốt đất

Thứ Năm, 03/04/2025, 16:30 [GMT+7]
In bài này
.

Lợi dụng thông tin chưa chính thức về việc chia tách, sáp nhập tỉnh, thành phố, một số nhà đầu tư, “cò” đã đẩy giá bất động sản lên cao. Các chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng trước tình trạng “sốt đất” này, tránh “tiền mất, nợ mang”.

Nhà đầu tư, người làm dịch vụ môi giới bất động sản xem đất tại một dự án trên địa bàn TP.Bà Rịa (ảnh chụp ngày 2/4).
Nhà đầu tư, người làm dịch vụ môi giới bất động sản xem đất tại một dự án trên địa bàn TP.Bà Rịa (ảnh chụp ngày 2/4).

Giao dịch sôi động trở lại

Khu tái định cư 37ha Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, TP.Phú Mỹ) ngày thường vốn rất vắng vẻ, ít hộ dân sinh sống và cũng ít người qua lại tìm hỏi mua đất. Khoảng 1 tháng nay, khu đất này trở nên nhộn nhịp người bán, kẻ mua.

Theo lời giới thiệu của những người làm dịch vụ môi giới, khu này vẫn còn nhiều lô đang rao bán. Khách hàng mua đầu tư sẽ rất tiềm năng do TP.Phú Mỹ hội tụ đầy đủ điều kiện về công nghiệp, cảng biển lại gần với TP.Hồ Chí Minh. Hiện nay, giá giao dịch mỗi lô khoảng 100m2 từ 2,4-2,6 tỷ đồng tùy từng vị trí. “Nếu Bà Rịa-Vũng Tàu sáp nhập với TP.Hồ Chí Minh và Bình Dương, bất động sản ở đây và nhiều nơi khác rất có thể sẽ tăng giá nữa”, một người làm dịch vụ môi giới khẳng định với chúng tôi.

Cơn “sốt đất” cũng lan dần sang những huyện, thị, thành phố khác. Những người làm dịch vụ môi giới tung ra hàng loạt sản phẩm đất nền ở khắp các khu vực từ Long Đất, Xuyên Mộc, Châu Đức đến TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa. Nhiều khu vực trầm lắng, sau thông tin chưa chính thức về sáp nhập đã bắt đầu được “xả hàng” đầy trên các trang mua bán bất động sản. Những người ôm đất lâu năm thì tranh thủ “thoát hàng”, trong khi những người đầu tư mới tranh thủ gom hàng để mong “lướt sóng”, kiếm lợi nhuận nhanh.

Cần cẩn trọng khi xuống tiền

Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh cho biết, thống kê của văn phòng cho thấy trong tháng 1/2025, lượng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh là 2.553 hồ sơ, tháng 2 là 2.539 hồ sơ, nhưng trong tháng 3 đã tăng lên đến 4.244 hồ sơ.

“Hồ sơ chuyển nhượng tăng là có thật nhưng nó chưa phản ánh được thị trường bất động sản có thật sự sôi động hay không. Bởi trong hàng ngàn hồ sơ này có thể là trước đó đã làm hợp đồng nhưng nay mới sang tên”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo phân tích của các chuyên gia, tình trạng “sốt đất” cục bộ không phải mới. Lịch sử thị trường cho thấy, mỗi khi xuất hiện thông tin về quy hoạch mới, giá đất ở khu vực liên quan thường tăng mạnh trong ngắn hạn. Theo đó, một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng thông tin liên quan đến việc chia tách, sáp nhập đơn vị hành chính để tung tin đồn, cố tình đẩy giá bất động sản lên cao không đúng bản chất thị trường, lôi kéo người dân tham gia xác lập hợp đồng góp vốn, mua bán trái quy định. Thậm chí có thể có cả chiêu trò dàn cảnh giao dịch mua đi bán lại với chênh lệch lớn nhằm lừa dối người mua, tạo tâm lý thu lợi cao nhanh chóng và dễ dàng.

Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về pháp lý, giá bất động sản… trước khi đầu tư. Trong thời điểm hiện nay, nếu không tìm hiểu kỹ, nhà đầu tư có thể đối diện với nhiều rủi ro về pháp lý và giá đất bị đẩy lên cao so với giá thị trường.
(Ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn,
Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh)

Ông Võ Văn Thường, Chủ tịch CLB Bất động sản TP.Bà Rịa cho biết, việc sáp nhập tỉnh, thành sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững, cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội.

Về mặt quản lý Nhà nước, Sở Xây dựng tỉnh cũng xác nhận, giá bất động sản chỉ có thể tăng bền vững khi đi kèm với quy hoạch rõ ràng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và có nhu cầu thực tế về nhà ở. Do đó, nhà đầu tư cần phải cân nhắc, tìm hiểu kỹ để tránh ôm rủi ro trước cơn “sốt đất” đang lan rộng…

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.