Cuối tháng 3 vừa qua, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, TP.Phú Mỹ đã giới thiệu sản phẩm chế biến từ trái bưởi như mứt, nước bưởi lên men, bưởi xuất khẩu. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục ra mắt thêm nhiều sản phẩm từ bưởi như tinh dầu bưởi, trà hoa bưởi, nhang bưởi. Đây là hướng đi mới của HTX nhằm nâng cao giá trị cho trái bưởi Sông Xoài đã được dày công xây dựng thương hiệu, đồng thời đạt chuẩn OCOP 4 sao cũng như có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.
Chế biến sâu sau thu hoạch là cách để gia tăng giá trị nông sản, mà cách làm của HTX Bưởi da xanh Sông Xoài kể trên là một ví dụ. Ngoài việc đẩy mạnh khâu liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn góp phần giải quyết đầu ra, tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích, việc làm này đã được nhiều HTX, DN, trang trại triển khai, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Có thể kể đến như sản phẩm chế biến sâu từ tiêu Bầu Mây của Công ty CP Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc) như tiêu một nắng, tiêu sữa, tiêu không hạt... Ngoài ra, DN này còn có nhiều sản phẩm chế biến từ củ hoài sơn như sữa, bún, hoài sơn sấy lát. Các sản phẩm từ tiêu Bàu Mây đã xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao về chất lượng như Nhật Bản, Mỹ, Úc, Singapore, Canada, Dubai.
Nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua với sự đầu tư công nghệ, liên kết sản xuất đạt chuẩn về an toàn thực phẩm đã xuất khẩu vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU. Tuy nhiên, hầu hết hàng xuất khẩu là sản phẩm tươi, chưa qua chế biến, do đó giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Điều này cũng dẫn đến tình trạng thiếu tính ổn định về đầu ra. Thậm chí có thời điểm khi thị trường nhập khẩu bị chững lại, nhiều loại trái cây không có đầu ra, phải đổ bỏ. Đây cũng là thực trạng chung của nông sản Việt Nam.
Thống kê trên cả nước cho thấy, nông sản được đưa vào chế biến hiện chưa đến 10% sản lượng hàng năm. Trong khi đó, mục tiêu đến năm 2030 là chế biến nông sản đạt trên 30% GDP ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, để đạt mục tiêu này cần những cơ chế cụ thể và các giải pháp lâu dài cho chế biến nông sản sau thu hoạch.
Hiện nay, ngành nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đang kêu gọi các DN vào cuộc, liên kết với nông dân, HTX hình thành chuỗi giá trị đối với nông sản chủ lực của tỉnh. Tỉnh cũng đang đầu tư phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích khoảng 7.000ha, tạo nền tảng cho vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu chế biến sâu. Cùng với đó là triển khai nhiều chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản, giải quyết bài toán về thị trường tiêu thụ cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu.
LAM GIANG