Cách đây 50 năm, quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu đoàn kết một lòng đồng loạt mở các cuộc tiến công thần tốc, dũng mãnh đánh tan lực lượng địch tại các căn cứ quân sự trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975.
![]() |
Sức cạnh tranh của ngành công nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Trong ảnh: Một góc KCN Đất Đỏ 1, huyện Long Đất. |
Ngay sau giải phóng, nhiều chính sách, giải pháp về tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã được Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong tiến trình phát triển của đất nước.
1. Trên đường về Châu Đức có một lối rẽ phải qua xã Hòa Long, con đường trải nhựa rộng thênh thang, là đường về xã Long Phước, TP.Bà Rịa. Ai đi ngang qua đây, sẽ thấy một tượng đài, tuy không bề thế nhưng nhắc nhớ mọi người biết rằng nơi đây có một trung đội cảm tử đánh địch đến giọt máu cuối cùng. Mười chiến sĩ cách mạng và dân quân ấy đã hy sinh. Để tưởng nhớ và ghi công các anh, Nhân dân Long Phước đã đặt tên bia tưởng niệm cầu Ông Địa.
Dù không rành vùng đất này lắm, nhưng những cái tên “Địa đạo Long Phước”, “cầu Ông Địa”, “Bưng Bạc” nghe cứ đau đáu một niềm thương cảm, hãnh diện, tự hào ngấm trong da thịt. Cũng là lẽ tự nhiên, từ thời chống Pháp rồi chống Mỹ, những địa danh nơi đây đã vang lên vừa bi tráng, vừa kiêu hùng không chỉ đối với Nhân dân Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn làm nức lòng Nhân dân miền Đông Nam Bộ nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung.
Thật khó có vùng quê nào thay đổi kỳ diệu như Long Phước. Ngay sau giải phóng, người dân đã chung tay xây dựng Long Phước tươi đẹp hơn xưa, đàng hoàng hơn xưa. Vùng đất vốn nổi tiếng với những đặc sản ngon ngọt của cây trái, từng đi vào kho tàng tục ngữ ca dao “Tôm cá Hội Bài, chuối, xoài Long Phước” được gầy dựng lại. Hàng rào thép gai, những bãi mìn năm xưa được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố, biệt thự xinh xắn trong vườn cây chuối, xoài, sầu riêng, vú sữa… xanh mướt.
Long Phước ngày càng khang trang, sạch đẹp nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tỷ lệ nông nghiệp từ 98% đã giảm xuống còn 76%. Các dịch vụ, cơ sở sản xuất ngày càng mở rộng và chiếm 24%. Xã đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hạ tầng giao thông được đầu tư, nhựa hóa. Thu nhập bình quân đầu người của xã cũng tăng gấp 21 lần so với những năm đầu sau giải phóng, đến cuối năm 2024 đạt hơn 92,4 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia.
Hơn 30 năm rời quê Nghệ An vào vùng đất này sinh sống và lập nghiệp, có lẽ ông Nguyễn Hữu Hồng cũng chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình xây dựng được cơ ngơi bề thế, con cái học hành thành đạt như bây giờ. Không giấu niềm vui, ông Nguyễn Hữu Hồng chia sẻ: “Được như vậy chính là nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đường sá nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Giao thương thuận lợi, làm ăn cũng ngày càng phát đạt”.
2. Long Phước cũng như nhiều vùng đất khác phát triển vượt bậc nhờ những quyết sách, chủ trương đúng đắn của tỉnh cũng như hưởng lợi từ nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung triển khai trong thời gian qua. Gần 34 năm qua kể từ khi tỉnh được thành lập (tháng 8/1991), vượt bao khó khăn, thử thách, dưới sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tỉnh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ một đặc khu nhỏ bé trực thuộc Trung ương, Bà Rịa-Vũng Tàu đã trở thành một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người thuộc top đầu cả nước. Tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, trung tâm công nghiệp dầu khí hiện đại trong cả nước.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Khánh nhớ lại, ngay sau khi tỉnh được thành lập, lãnh đạo tỉnh nhận thức, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, trước hết phải tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng. Đảng bộ tỉnh cũng đã tiến hành tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 1992-1996. Tại đại hội này, nhiều quyết sách về kinh tế đã được đề ra. Đó là “Phấn đấu xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nền kinh tế phát triển theo cơ cấu công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp; tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, mở rộng kinh tế đối ngoại…”.
Bà Rịa-Vũng Tàu từng bước được khoác lên mình diện mạo mới. Hàng loạt dự án mở rộng QL55, QL56 từ Bà Rịa đi Ngãi Giao, Xuyên Mộc, Bình Châu; rồi tuyến Ngãi Giao nối liền Mỹ Xuân được đầu tư xây dựng. Đường và cầu tiếp tục được bắc qua Long Sơn, TP.Vũng Tàu. Đường làm tới đâu, điện được kéo tới đó. Nhiều hộ dân sống ven đường đã xây dựng nhà mới, mở cửa hàng buôn bán. Hàng hóa lưu thông nhanh, thuận lợi.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII xác định 3 khâu đột phá về huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối; tập trung thực hiện Đề án nâng cao chất lượng cuộc sống người; chương trình chuyển đổi số, đô thị thông minh. Xây dựng hạ tầng giao thông với phương châm “đi trước mở đường” cũng được xem là mũi nhọn đột phá và là ưu tiên hàng đầu của Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó xác định kết nối liên kết vùng là một trong những yếu tố then chốt phát huy lợi thế cảng biển.
Và chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã đầu tư và khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, ĐT994; cầu Phước An, sân bay Côn Đảo… Đây được xem là những “động mạch chủ” quan trọng nhất làm nên sự thịnh vượng cho Bà Rịa-Vũng Tàu cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong tương lai gần.
3. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiềm năng, thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu cũng từng bước được phát huy, khai thác tối đa lợi thế. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các kỳ đại hội đều xác định mục tiêu tăng trưởng của địa phương gắn liền với việc khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Từ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giảm dần phụ thuộc khai khoáng, dầu và khí. Năng suất, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế ngày càng được nâng lên rõ nét.
Bên cạnh các thế mạnh truyền thống, dịch vụ cảng biển và logistics, với vai trò chiến lược mang tầm quốc tế của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đang dần trở thành ngành kinh tế chủ lực mới của tỉnh, đồng thời đóng góp tích cực vào chiến lược kinh tế hướng ra xuất khẩu của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện nay, cũng như trong những thập niên tới.
Sức cạnh tranh của ngành công nghiệp thuộc nhóm hàng đầu cả nước. Mô hình công nghiệp hóa chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại với năng suất và giá trị gia tăng cao. Các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ vận tải biển, logistics và đặc biệt là du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, tỷ lệ đô thị hóa của Bà Rịa-Vũng Tàu đạt hơn 60% so với trung bình 40% của cả nước.
Kinh tế phát triển, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Năm 1992 thu nhập bình quân đầu người không tính dầu khí khoảng 450USD/năm; đến năm 2019 đã tăng lên 6.800USD/năm, gấp 12 lần so với năm 1992, gấp 4 lần so với bình quân chung của cả nước và chỉ tiêu này đến năm 2024 đạt 9.012 USD/người/năm. Tỉnh cũng nằm trong top đầu những địa phương đóng góp ngân sách lớn nhất trong cả nước.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ, để tạo động lực tăng trưởng trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá được tỉnh xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
NGÔ GIA