Đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng robot và dây chuyền sản xuất tự động hóa ở mức độ cao - những mô hình như vậy được coi là “nhà máy không ánh đèn”. Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã và đang theo đuổi định hướng đó nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
![]() |
Robot làm công đoạn hàn được vận hành bởi AI, có độ chính xác tuyệt đối tại nhà máy của Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát. |
Ngày càng nhiều “nhà máy không đèn”
Dù hoạt động với công suất tối đa (khoảng 600 tấn/ngày), nhưng mỗi ca làm việc tại nhà máy của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ (Tổng công ty Viglacera - CTCP) chỉ có khoảng vài chục công nhân. Đa số các công đoạn sản xuất tại nhà máy, từ xử lý nguyên liệu đến bốc, xếp dỡ thành phẩm đều được thực hiện bằng hệ thống máy móc tự động.
Ông Nguyễn Giang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ cho biết, ngay từ khi triển khai dự án, DN đã lựa chọn hệ thống máy móc hiện đại nhất về sản xuất kính nổi siêu trắng. Toàn bộ công nghệ, robot sản xuất đều có xuất xứ từ châu Âu, mang tính tự động hóa cao, giảm thiểu sự nặng nhọc cho công nhân và bảo đảm chất lượng sản phẩm. Hiện nay, kính nổi siêu trắng của DN có chất lượng cao, đạt độ thấu quang đạt tới 91,6%; kính xây dựng cao cấp của nhà máy đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
“Nhờ đó, nhà máy của Công ty là nơi đầu tiên sản xuất kính siêu trắng tại Việt Nam, có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ nhưng giá rẻ hơn nhiều. Việc ứng dụng tự động hóa cao cũng giúp chúng tôi hướng đến xây dựng quy trình sản xuất xanh”, ông Nam nói.
Còn tại nhà máy của Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát cũng áp dụng Plant layout (quá trình tổ chức, sắp xếp, định dạng về mặt không gian máy móc thiết bị, các khu vực làm việc và các bộ phận phục vụ sản xuất) tiên tiến nhất hiện nay.
Ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty CP Sản xuất Container Hòa Phát cho biết, DN có lợi thế xây dựng nhà máy khi ngành sản xuất sản phẩm này đã phát triển được hơn 30 năm. Do đó, các trang thiết bị và lưu trình sản xuất, nghiệm thu sản phẩm tận dụng được các thành tựu công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay, được kiểm soát nghiêm ngặt bởi hệ thống có trình độ tự động hóa cao.
Ông Sính cho biết: “Nhờ đó, hiện nay lưu trình lắp ráp 1 container tại nhà máy chỉ 140 giây. Các sản phẩm đều được đánh mã số để quản lý. Cộng với lợi thế và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất thép, container Hòa Phát đang cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu của ngành vận tải biển”.
![]() |
Robot bốc xếp thành phẩm tại nhà máy của Công ty TNHH Kính nổi siêu trắng Phú Mỹ. |
Hỗ trợ DN Bà Rịa-Vũng Tàu ứng dụng công nghệ
Thời gian qua, với định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu đãi dự án có hàm lượng công nghệ cao, nhiều tập đoàn, DN quốc tế tầm cỡ đã chọn Bà Rịa-Vũng Tàu làm điểm đến. Ngày càng có nhiều tập đoàn lớn trong nước như Hoa Sen, Hòa Phát… xây dựng các nhà máy sử dụng quy trình sản xuất có tỷ lệ tự động hóa cao, sản xuất các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư tại tỉnh đều có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ, liên doanh, liên kết sản xuất với các DN của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tuy nhiên, đủ nguồn lực xây dựng các nhà máy xanh, hiện đại trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là các DN FDI hoặc các tập đoàn lớn trong nước. Do đó, theo Sở KH-CN, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giúp DN trên địa bàn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất.
Tỉnh cũng phối hợp với các tổ chức khoa học và tổ chức có liên quan triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thực tiễn của các ngành, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn, ưu tiên phát triển của tỉnh.
Bài, ảnh: QUANG VINH