.

Điện mặt trời áp mái "sốt" trở lại

Cập nhật: 17:00, 20/04/2025 (GMT+7)

Mức đầu tư điện mặt trời áp mái rẻ hơn trong khi tiền điện có xu hướng tăng cao trong mùa nắng nóng khiến xu hướng lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo này “sốt” trở lại sau khoảng thời gian trầm lắng.

Nhân viên Công ty Vũ Sơn lắp đặt điện áp mái cho khách hàng tại xã Hòa Long, TP.Bà Rịa.
Nhân viên Công ty Vũ Sơn lắp đặt điện áp mái cho khách hàng tại xã Hòa Long, TP.Bà Rịa.

Nhu cầu tăng đột biến

Sau thời gian phân vân, chị Nguyễn Thị Ngọc Hoa (phường 11, TP.Vũng Tàu) vừa đầu tư 150 triệu đồng để lắp hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái. “Hóa đơn tiền điện tháng 3 vừa qua của gia đình hơn 3 triệu đồng, tăng gấp rưỡi so với trước. Chuẩn bị tới cao điểm nắng nóng sẽ xài nhiều, giá điện lại có xu hướng tăng nên tôi đã mạnh dạn đầu tư số tiền khá lớn để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời”, chị Hoa cho biết.

Theo nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ, sau khoảng thời gian trầm lăng do vướng mắc về cơ chế, một tháng trở lại đây, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tăng đột biến. Ông Nguyễn Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư năng lượng Vũ Sơn (huyện Long Đất) cho biết, lượng đơn hàng từ tháng 3 đến nay của DN tăng 3-4 lần so với tháng trước, trong đó có cả hộ gia đình lẫn các cơ quan, nhà máy công nghiệp lớn.

Nguyên nhân là các quy định về lắp đặt điện áp mái đã rõ ràng hơn. Cùng với đó, chi phí cũng rẻ hơn 30% so với trước đây, bình quân khoảng 10-11triệu đồng/KWp cho khách hàng hộ gia đình và 8-8,5 triệu đồng/KWp cho khách hàng công nghiệp.

“Hiện nay đang bước vào cao điểm nắng nóng khiến tiền điện cao và có xu hướng tiếp tục tăng. Đặc biệt, một số tổ chức tài chính, trong lẫn ngoài nước đang có chính sách hỗ trợ vốn lắp đặt hệ thống điện áp mái với thủ tục đơn giản, không thế chấp tài sản nên nhiều khách hàng lựa chọn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà”, ông Vũ phân tích.

Theo một số đơn vị cung cấp dịch vụ điện năng lượng mặt trời áp mái, công nghệ sản xuất pin lưu trữ bằng lithium-ion đang phát triển. Nhờ đó, nguồn điện dư có thể “trữ” lại để sử dụng vào ban đêm hoặc khi bị cắt điện nên rất thuận tiện. Do đó, ngày càng nhiều khách hàng đầu tư thêm hệ thống lưu trữ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái.

Nhiều lợi ích

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu, điện năng lượng mặt trời là một trong những nguồn năng lượng được lựa chọn, khuyến khích và ưu tiên sử dụng rộng rãi.

Người dân sử dụng nguồn điện này có thể tiết kiệm được nhiều chi phí và góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao tuổi thọ thiết bị điện. Các DN lớn càng có lợi ích và điều kiện tốt hơn khi lắp điện mặt trời, bởi sở hữu diện tích mái nhà lớn, hạ tầng trạm biến áp và đường dây có sẵn. Việc điện mặt trời mái nhà phát triển không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm chi phí, mà còn giảm tải cho ngành điện trong việc đầu tư hệ thống phụ tải.

“Hiện nay, Công ty Điện lực Bà Rịa-Vũng Tàu đang quản lý gần 3.100 khách hàng điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 275 MWp. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 58 năm 2025 quy định ưu đãi với phát triển năng lượng tái tạo, công ty đã có thêm 14 chủ đầu tư đăng ký lắp đặt với công suất hơn 19 MW”, ông Hải thông tin thêm.

Theo một số chuyên gia, khách hàng là hộ gia đình, khi đủ điều kiện, nếu sử dụng điện trên 300 kWh điện/tháng (giá 3.917 đồng/kWh) thì nên lắp hệ thống điện áp mái với công suất phù hợp sản lượng tiêu thụ hàng tháng. Cách tính đơn giản nhất là một ngày dùng khoảng 20kWh thì nên lắp khoảng 4kWp điện mặt trời, bình quân phát điện khoảng 12-18kWh.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.