.

Lợi kép từ mô hình cộng sinh công nghiệp

Cập nhật: 16:02, 28/03/2025 (GMT+7)

Xây dựng mô hình cộng sinh công nghiệp, với chuỗi cung ứng khép kín mang lại lợi ích kép góp phần giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa giảm phát thải tiến tới mục tiêu trung hòa carbon. 

Chuỗi cung ứng khép kín từ nhiên liệu đến xử lý phế thải giúp các KCN trên địa bàn tỉnh tăng lợi thế cạnh tranh. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất khí công nghiệp của Công ty CP Nippon Sanso cung cấp nhiên liệu hoạt động cho nhiều đối tác tại các KCN tại Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chuỗi cung ứng khép kín từ nhiên liệu đến xử lý phế thải giúp các KCN trên địa bàn tỉnh tăng lợi thế cạnh tranh. Trong ảnh: Nhà máy sản xuất khí công nghiệp của Công ty CP Nippon Sanso cung cấp nhiên liệu hoạt động cho nhiều đối tác tại các KCN tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chất thải nhà máy này làm nguyên liệu cho nhà máy khác

KCN Phú Mỹ 1 là nơi tập trung nhiều dự án sản xuất thép lớn trên địa bàn tỉnh. Trước đây, một trong những vấn đề “nan giải” và tốn nhiều chi phí của các nhà máy này là xử lý lượng xỉ phế phẩm của quá trình sản xuất thép. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, một phần lớn lượng chất thải trong sản xuất thép đã được nhà máy của Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ tái chế thành phụ gia xi măng, vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thành Đại Phú Mỹ cho biết, nhà máy của DN có đầy đủ hệ thống thiết bị xử lý, phương tiện vận chuyển phục vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. “Điểm mạnh của hệ thống tái chế này là không phát sinh nước thải, chất thải và gần như thu hồi được 95-100% tạp chất phế liệu và xỉ thép”, ông Nghĩa nói.

Tại KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và một số KCN lân cận, trước đây, nguồn hóa chất để sản xuất giấy chủ yếu nhập từ nước ngoài với chi phí khá đắt đỏ. Vài năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu sản xuất này đã được cung ứng bởi 2 nhà máy ngay trong KCN của Công ty TNHH SEIKO PMC Việt Nam và Công ty Arakawa Chemical Việt Nam (đều của các nhà đầu tư Nhật Bản).

Ông Hiroshi Matsumura, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging, DN sản xuất giấy lớn trên địa bàn tỉnh cho biết, các DN sản xuất hóa chất, nguyên liệu phụ cho ngành sản xuất giấy đầu tư vào KCN Phú Mỹ 3 mang lại lợi ích cho cả 2 phía.

“Khi gặp nhau ở Nhật Bản, chúng tôi đã cho họ lời khuyên là nên đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu, nơi mà lĩnh vực của họ có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Đến nay nhiều nhà sản xuất giấy đã trở thành khách hàng của các DN này. Họ có khách hàng với lượng tiêu thụ tốt còn chúng tôi có nguồn nguyên liệu ngay gần nhà máy với chất lượng cao và giá cả hợp lý”, ông Hiroshi Matsumura nói.

Công nhân trong giờ làm việc tại nhà máy sản xuất giấy của Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging.
Công nhân trong giờ làm việc tại nhà máy sản xuất giấy của Công ty TNHH Kraft of Asia Paperboard & Packaging.

Bước tiến để xây dựng KCN sinh thái

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang hình thành các chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp lớn như: công nghiệp hỗ trợ; chuỗi cung ứng ngành hóa dầu, chuỗi cung ứng vật tư sản xuất cho các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi, chuỗi cung ứng ngành vật liệu xây dựng, ngành sản xuất giấy…

Việc hình thành các chuỗi cung ứng sản xuất khép kín là bước tiến để các KCN tiến tới xây dựng mô hình cộng sinh công nghiệp. Đây là hoạt động hợp tác giữa các DN trong một KCN hoặc trong các KCN khác nhau để tối ưu hóa việc sử dụng hoặc tái sử dụng nguyên liệu, vật liệu, nước, năng lượng, chất thải, phế liệu và yếu tố khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, cộng sinh công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn mang tính tự phát, các DN tự tìm kiếm cơ hội liên kết với nhau nên chưa phát triển mạnh mẽ, chủ yếu là hình thức cộng sinh phụ phẩm.

Theo ông Lê Viết Phúc, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh, tỉnh đang thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng KCN kiểu mẫu/KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành có mục tiêu của dự án nhằm xây dựng các KCN phát triển bền vững theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị. Trong đó, có việc xây dựng mô hình cộng sinh công nghiệp.

“Không chỉ cộng sinh phụ phẩm và chất thải, các DN trong KCN của tỉnh còn có tiềm năng các loại hình khác nhau như cộng sinh tiện ích và chia sẻ hạ tầng, cộng sinh nguồn cung, cộng sinh dịch vụ…”, ông Phúc thông tin thêm.

Bài, ảnh: QUANG VINH

 
.
.
.