Xuất khẩu thủy sản nhiều biến động

Thứ Sáu, 14/02/2025, 16:55 [GMT+7]
In bài này
.

Thị trường xuất khẩu thủy sản những tháng đầu năm đối mặt với nhiều biến động về rào cản thuế quan, kỹ thuật và vấn đề thiếu nguyên liệu chưa khắc phục được.

Sơ chê cá đục xuất khẩu qua Nhật Bản ở Công ty Tứ Hải (TP.Vũng Tàu).
Sơ chê cá đục xuất khẩu qua Nhật Bản ở Công ty Tứ Hải (TP.Vũng Tàu).

Rào cản thương mại

Theo các HTX và hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, đầu năm nay thương lái thu mua tôm thẻ chân trắng để xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng giảm dần và giá cả cũng giảm 20-30 ngàn đồng/kg so với tháng trước. Giá tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg chỉ còn 100-110 ngàn đồng/kg, giảm 30 ngàn đồng so với thời điểm trước Tết.

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thị trường Trung Quốc giảm sút nhu cầu tiêu thụ tôm thẻ chân trắng do có sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của tầng lớp trung lưu dưới áp lực thu nhập. “Sự cạnh tranh từ các sản phẩm thủy sản giá rẻ hơn và sự ưu tiên tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong những tháng tiếp theo”, bà Hằng dự đoán.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Baseafood, Trung Quốc ngày càng kiểm tra gắt gao những DN xuất khẩu thủy sản sang nước họ, phải có mã code trong danh sách các cơ sở được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Chính vì thế, việc xuất khẩu tiểu ngạch của thương lái và những DN nhỏ không làm ăn bài bản bị ảnh hưởng mạnh.

Ngoài Trung Quốc, thị trường Mỹ cũng có biến động. Chuyên gia Vasep dự báo sự suy giảm tiêu dùng tại Mỹ, do chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu, sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về sản phẩm thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm và cá hồi trong năm 2025.

Trong khi đó, thị trường EU từ năm 2025 sẽ áp dụng những quy định mới về bảo vệ môi trường đối với ngành thủy sản, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và sự bền vững.

Chứng nhận bền vững như ASC (Aquaculture Stewardship Council) và MSC (Marine Stewardship Council) sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào EU. Ngoài ra, các quy định của EU cũng yêu cầu cải tiến quy trình nuôi trồng, bảo vệ hệ sinh thái biển và các nguồn lợi thủy sản, đảm bảo không gây hại cho động vật hoang dã và môi trường sống tự nhiên. Điều này thúc đẩy ngành thủy sản trong nước chuyển biến nhanh hơn mô hình sản xuất bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Chuyển đổi thị trường, thúc đẩy nuôi biển

Giải bài toán thị trường, các DN xuất khẩu thủy sản Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuyển hướng dần từ thị trường Mỹ, EU sang các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông,… Các DN xuất khẩu thủy sản lớn trên địa bàn tỉnh như Baseafood, Tứ Hải, Đông Dương đều có thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản.

Ông Đào Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tứ Hải cho biết, Nhật Bản là thị trường chính của công ty với kim ngạch xuất khẩu hơn 16,2 triệu USD, chiếm 90% giá trị xuất khẩu năm 2024. Tháng 1/2025, công ty xuất khẩu hải sản được hơn 1 triệu USD, chủ yếu cũng qua thị trường này.

“Tứ Hải xuất khẩu được bao nhiêu là đối tác Nhật Bản bao tiêu hết. Tuy nhiên vì nguồn cung thiếu trầm trọng do ngư dân nghỉ Tết và thời tiết mưa bão, nhiều tàu thuyền chưa xuất bến được nên dù có đơn hàng công ty cũng không đáp ứng được”, ông Tuấn thông tin.

Tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng trầm trọng làm ảnh hưởng đến xuất khẩu cũng là vấn đề nan giải ở các DN khác. Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến hải sản Đông Dương cho biết, công ty có đơn đặt hàng xuất khẩu đến tháng 3/2025 là 200 tấn hải sản mực, bạch tuộc, cá biển các loại nhưng nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được 20%. Công ty đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nhưng vẫn không đủ dù giá cao, lợi nhuận giảm.

Tương tự, tình trạng thiếu nguyên liệu ngày càng trầm trọng cũng diễn ra trong những năm gần đây ở công ty Baseafood và công ty bắt buộc phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu. Theo ông Trần Văn Dũng, mấy năm trước nguyên liệu thủy sản trong nước dùng để chế biến xuất khẩu chiếm 70%, nhập khẩu chỉ khoảng 30% thì hiện nay tỷ lệ này đã đảo ngược lại. 

Tuy nhiên, theo các DN, việc nhập khẩu nguyên liệu trong năm nay đã không còn thuận lợi vì sản lượng đánh bắt sụt giảm trên toàn cầu nên giá cả tăng cao. Các công ty đều đang có kế hoạch phát triển nuôi biển để có nguồn nguyên liệu ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Công ty Đông Dương đang xúc tiến liên kết với các hộ nuôi biển ở xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) ký hợp đồng cung cấp các loại cá biển nuôi như: cá chim trắng vây vàng, cá mú, chẽm…

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
;
.