Vượt trở ngại thời tiết, ngư dân tiếp tục bám biển

Thứ Hai, 10/02/2025, 17:16 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 9/2, nhiều tàu cá lớn xuất hành chuyến đi biển dài ngày đầu tiên sau Tết. Dù thời tiết không mấy thuận lợi do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, ngư dân vẫn kiên trì vươn khơi bám biển, mong nguồn lợi hải sản dồi dào.

Tàu đánh bắt cá cơm của ông Nguyễn Thanh Việt (phường 12, TP.Vũng Tàu) chuẩn bị ngư cụ ra khơi.
Tàu đánh bắt cá cơm của ông Nguyễn Thanh Việt (phường 12, TP.Vũng Tàu) chuẩn bị ngư cụ ra khơi.

Đầu tư để nâng cao hiệu quả đánh bắt

Ông Võ Hải Sự (phường 12, TP.Vũng Tàu) có tàu cá dài gần 17m chuyên đánh bắt cá cơm xa bờ. Ông cho biết, ngày 9/2, tàu ông đã xuất hành đi chuyến biển đầu năm và đến sáng 10/2 đã đánh bắt được gần 1 tấn cá cơm. Số cá này được bán cho tàu vận tải để chuyển về bờ cho cá được tươi ngon, còn tàu của ông vẫn tiếp tục ở lại ngoài khơi đánh bắt tiếp.

“Do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, khu vực biển Vũng Tàu gió lớn nên chúng tôi phải di chuyển xuống đánh bắt ở vùng biển Kiên Giang, đến khoảng tháng 3, 4 gió êm mới về lại. Xuất hành đầu năm, mới thả một lần lưới mà được như vầy là chúng tôi mừng lắm, hy vọng sẽ tiếp tục được mùa như năm ngoái”, ông Sự chia sẻ.

Được biết, năm 2024, tàu đánh bắt cá cơm có công suất 350CV của ông Sự đánh bắt khá hiệu quả, đạt hơn 500 tấn, tăng hơn 50% so với năm 2023. Với giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lời hơn 700 triệu đồng.

Theo ông Trần Đức Hội, Chủ tịch Nghiệp đoàn khai thác cá cơm Hải Đăng (TP.Vũng Tàu), từ ngày 9/2, một số tàu cá thành viên trong nghiệp đoàn đang ở Kiên Giang đã xuất hành đi biển. Còn các tàu ở TP.Vũng Tàu sẽ đợi vài ngày cho bớt gió mới ra khơi.

Hiện Nghiệp đoàn có gần 20 thành viên đánh bắt cá cơm, với năng suất khai thác bình quân đạt 300-400 tấn/năm, lợi nhuận 400-500 triệu đồng, thu nhập của thuyền viên 10-12 triệu đồng/tháng.

“Mặc dù nguồn thủy sản giảm dần nhưng một vài thành viên trong nghiệp đoàn đánh bắt giỏi, đầu tư máy móc, công nghệ cao có sản lượng đánh bắt lên đến 700-1.000 tấn trong năm 2024. Vì thế, trong năm 2025, nhiều thành viên trong nghiệp đoàn đã lên kế hoạch thay đổi máy móc, đầu tư máy tầm ngư hiện đại hơn để nâng cao hiệu quả đánh bắt”, ông Hội cho biết.

Hải sản đội tàu ông Trương Minh Tuấn (TT.Long Hải, huyện Long Đất) đánh bắt được trong chuyến biển đầu năm.
Hải sản đội tàu ông Trương Minh Tuấn (TT.Long Hải, huyện Long Đất) đánh bắt được trong chuyến biển đầu năm.

Đánh bắt thân thiện môi trường

Những chuyến tàu xuất bến lấy lộc đầu năm trước đó cũng đã đem về những nguồn lợi hải sản đầu tiên. Ông Trương Minh Tuấn (TT.Long Hải, huyện Long Đất) có đội tàu 10 chiếc (4 tàu đánh cá, 6 tàu vận tải) hành nghề lưới vây đánh bắt xa bờ xuất hành đi biển từ ngày 3/2 (mùng 6 Tết). Đến đêm 10/2, tàu vận tải mang theo lộc biển đầu năm với khoảng 5 tấn cá các loại (ngừ, nục, bạc má,...) hành trình vào bờ.

Ông Tuấn cho biết, điểm đặc biệt trong phương pháp đánh bắt của đội tàu là sử dụng chà, được làm bằng lá dừa kết lại với nhau, kết hợp với đá chẻ, phao nổi neo lại tạo thành các ngôi nhà trú ẩn cho cá dưới biển. Khi thấy cá vào các điểm chà để tránh nắng hoặc ăn rong rêu bám trên các lá dừa đủ nhiều, ngư dân sẽ thả lưới xuống vây bắt.

Theo ông Tuấn, đây là một nghề truyền thống lâu đời của ngư dân TT.Long Hải và khá thân thiện với môi trường. Các điểm chà thường xuyên được ngư dân gia cố, đem lá dừa mới ra thay cho lá cũ sau mỗi chuyến biển. “Hiệu quả đánh bắt cũng khá tốt, năm ngoái mỗi tàu đạt bình quân khoảng 70-80 tấn cá trong một chuyến biển 2 tháng, lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng”, ông Tuấn cho biết.

Theo Sở NN-PTNT, năm 2024 sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh đạt gần 374 ngàn tấn, tăng hơn 3% so với năm 2023, trong đó sản lượng khai thác của các loại nghề lưới rê, lưới vây, câu mực tăng, nhất là nhóm đối tượng hải sản có giá trị kinh tế như: cá thu, ngừ, cờ, mực ống, bạch tuộc,…

Ngành thủy sản đặt mục tiêu, năm 2025 sản lượng thủy sản khai thác đạt 375 ngàn tấn. Ngành tiếp tục khuyến khích ngư dân đầu tư công nghệ cao phát triển đội tàu khai thác xa bờ các loại hải sản có giá trị cao làm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu; tăng cường các ngành nghề đánh bắt thân thiện môi trường, giảm những nghề khai thác gây suy kiệt nguồn lợi thủy sản.

Bên cạnh đó, ngành tập trung triển khai thực hiện cơ cấu lại, giảm cường lực khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi, tuân thủ các quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Bài, ảnh: NGỌC MINH

 
;
.