Triển khai có hiệu quả các giải pháp phát triển đô thị

Thứ Ba, 11/02/2025, 17:52 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tháng 12/2024, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại chương trình này, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2030 Bà Rịa-Vũng Tàu đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Một góc khu đô thị phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu).
Một góc khu đô thị phường Thắng Tam (TP.Vũng Tàu).

Cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của vùng

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có phạm vi nghiên cứu với tổng diện tích tự nhiên 1.982,56 km2 bao gồm 7 đơn vị hành chính cấp huyện. Mục tiêu của chương trình là đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 63,5%; toàn tỉnh có 10 đô thị, trong đó: 1 đô thị loại I , 2 đô thị loại II; 1 đô thị loại IV; 6 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2030 đạt 72-75%.

Giai đoạn 2026-2030, toàn tỉnh có 13 đô thị gồm 3 thành phố, 10 thị trấn và 1 đô thị sinh thái biển (huyện Côn Đảo) và phấn đấu huyện Long Đất có 1 đơn vị hành chính đạt tiêu chuẩn đô thị (khu vực đô thị) của thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2030, Bà Rịa-Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đóng vai trò là một cực phát triển quan trọng trong hệ thống đô thị của Vùng Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, chương trình cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2031-2050, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời là trung tâm hướng ra biển, cửa ngõ ra biển cho vùng Đông Nam Bộ, cơ cấu đô thị đa trung tâm; khu vực dự kiến thành lập thành phố đạt tiêu chí của đô thị loại I trực thuộc Trung ương được xác lập trên cơ sở các khu vực phát triển đô thị: Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải...

Danh mục dự án ưu tiên đầu tư phát triển đô thị được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1: Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khung, công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối và các dự án khác đã được xác định trong quy hoạch tỉnh. Nhóm 2: Một số chương trình, đề án cấp quốc gia có liên quan và cấp tỉnh đang triển khai hoặc đề xuất mới về phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, giảm phát thải, phát triển đô thị thông minh hoặc các chương trình, đề án cấp quốc gia, cấp tỉnh khác để cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị của tỉnh. Nhóm 3: Nhóm các dự án khắc phục tiêu chuẩn chưa đạt từng đô thị theo kế hoạch nâng loại đô thị đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, trong đó có cả các tiêu chí chưa đạt cho cấp đô thị hiện hữu và các tiêu chí chưa đạt cho cấp đô thị định hướng đến năm 2030.

 

4 nhóm giải pháp cơ bản

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, chương trình phát triển đô thị cũng đã chỉ ra 4 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, giải pháp cơ chế chính sách nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp tạo nguồn thu, chỉ đạo tăng thu ngân sách đảm bảo vượt chỉ tiêu để tăng chi đầu tư phát triển, chống thất thu, tiết kiệm chi, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư, tăng tỷ lệ tích luỹ từ nội bộ kinh tế của tỉnh.

Giải pháp phát triển và đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án nhằm đào tạo lao động ở các trình độ, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Giải pháp về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị là lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị cho các đô thị mở rộng, đô thị hình thành mới; Lập chương trình phát triển đô thị; Hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị; lập đề án đề nghị công nhận đô thị đạt tiêu chí đô thị theo phân loại; triển khai lập quy hoạch phân khu, các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trên địa bàn, làm cơ sở kêu gọi đầu tư các khu đô thị, khu dân cư, các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…

Đồng thời, đẩy nhanh phủ kín quy hoạch xây dựng vùng huyện trong tỉnh, làm cơ sở lập quy hoạch xây dựng các khu chức năng đặc thù, tạo động lực phát triển đô thị. Xây dựng Quy chế quản lý đô thị cho các đô thị, đối với các khu trung tâm đô thị có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan cần phải lập các đồ án thiết kế đô thị riêng làm cơ sở thiết kế, xây dựng các công trình kiến trúc…

Riêng giải pháp phát triển kinh tế-xã hội là rà soát các quy định, chính sách về đầu tư, kinh doanh để đề nghị sửa đổi các nội dung không đồng bộ, thiếu nhất quán, sửa đổi các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh.

Được biết, tổng kinh phí dự kiến thực hiện các chương trình phát triển đô thị cho các giai đoạn đến năm 2030 khoảng 414.931 tỷ đồng. Trong đó, tổng kinh phí dự kiến thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật khung khoảng 247.817 tỷ đồng, chiếm 59,72%.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
;
.