Thúc đẩy phát triển nghề truyền thống

Thứ Hai, 10/02/2025, 17:15 [GMT+7]
In bài này
.

Việc Nhà nước hỗ trợ máy móc, thiết bị, vật tư đã giúp các cơ sở ngành nghề truyền thống của tỉnh duy trì sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập người lao động.

Chi cục Phát triển nông thôn bàn giao thiết bị, máy móc cho các hộ làm muối ở xã Tam An, huyện Long Đất.
Chi cục Phát triển nông thôn bàn giao thiết bị, máy móc cho các hộ làm muối ở xã Tam An, huyện Long Đất.

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Nguyễn Minh Đức (xã Tam An, huyện Long Đất) có khoảng 2ha làm muối trải bạt. Theo ông Đức, về cơ bản, sản xuất muối theo phương pháp trải bạt giống với phương pháp truyền thống, chỉ khác ở ô kết tinh có lót bạt nhựa. Năng suất muối trải bạt cao hơn 30% so với làm muối trên nền đất, chất lượng muối tốt hơn, ít lẫn tạp chất, nhờ vậy mà giá bán cao hơn.

“Tuy nhiên, chi phí mua bạt khá lớn nên nhiều diêm dân chưa có điều kiện đầu tư. Mới đây, tôi cùng 10 hộ trên địa bàn xã Tam An được Nhà nước hỗ trợ bạt làm muối, giúp chúng tôi giảm bớt chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, yên tâm bám nghề”, ông Đức cho biết.

Bà Hồ Bảo Trang, xã Tam An, huyện Long Đất cũng vừa được hỗ trợ mái tôn và lò tráng bánh bằng điện từ chương trình hỗ trợ các dự án phát triển ngành nghề truyền thống năm 2024 của tỉnh. Bà Trang cho biết, trước đây, khu vực tráng bánh lợp tôn xi măng, lò tráng cũng sử dụng trấu nên khá nóng. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, khu vực tráng bánh thoáng mát hơn. Việc tráng bánh cũng đỡ vất vả và bảo đảm vệ sinh hơn.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, việc hỗ trợ máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã góp phần giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí đầu vào và tăng khả năng thích ứng với thị trường. Qua đó, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, hướng đến phục vụ phát triển du lịch và chương trình OCOP, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn

Toàn tỉnh hiện có 3.407 hộ/cơ sở với hơn 11,6 ngàn lao động (trong đó lao động thường xuyên chiếm 75%, lao động thời vụ chiếm 25%) tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn. Các cơ sở sản xuất nghề truyền thống được chia thành các nhóm: chế biến, bảo quản nông thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thuê ren, đan lát, cơ khí nhỏ; xử lý chế biến nguyên vật liệu; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống cư dân nông thôn.

Để bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống, những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ. Thực hiện Quyết định số 2843/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch hỗ trợ các dự án phát triển ngành nghề truyền thống, Chi cục Phát triển nông thôn đã bàn giao trang thiết bị, vật tư, liếp làm bánh tráng cho 12 hộ sản xuất bánh tráng ở xã Tam An; bàn giao bạt, máy bơm nước cho 11 hộ làm muối ở TT.Long Điền, huyện Long Đất và bàn giao nồi nấu rượu, vật tư cho 7 hộ sản xuất rượu ở xã Hòa Long, TP. Bà Rịa. Tổng giá trị trang thiết bị, vật tư hỗ trợ khoảng 2,5 tỷ đồng.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, ngành nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và đời sống của cộng đồng dân cư địa phương nói chung, du khách nói riêng. Với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên, địa lý phong phú và sự khéo léo từ bàn tay của các nghệ nhân đã tạo nên những sản phẩm truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đó đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai hỗ trợ các cơ sở ngành nghề nông thôn, đồng thời tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nghề truyền thống và sản phẩm đặc sản địa phương; bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo định hướng đa dạng hóa các loại hình du lịch, chú trọng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn”, ông Vũ Ngọc Đăng cho hay.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.