Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh, mà nòng cốt là các HTX đã chuyển biến tích cực, số lượng HTX thành lập mới tăng đáng kể.
Sản phẩm mật ong dú, dưa lưới, lươn sấy khô… của các HTX nông nghiệp huyện Châu Đức trưng bày trong chương trình giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với làng nghề truyền thống năm 2024 tại TP.Vũng Tàu. |
Đẩy mạnh liên kết sản xuất
Qua khảo sát, từ khi triển khai Luật HTX 2023, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn hơn trong việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Các thành viên HTX được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về các hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật; tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao nguồn nhân lực; chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, kết nối cung cầu và tiêu thụ sản phẩm…
Huyện Châu Đức hiện có 36/43 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Một số HTX đã liên kết với các DN đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như sầu riêng, thanh long ruột đỏ, đông trùng hạ thảo, ca cao, dưa lưới, mật ong dú, nấm rơm…
Theo ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa-Vũng Tàu, Luật HTX 2023 với các cơ chế và chính sách hỗ trợ, đang hướng tới việc khuyến khích các HTX liên kết hợp tác với nhau, đồng thời kết nối với DN để sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa và mở rộng quy mô sản xuất. Trong năm 2025, HTX tiếp tục liên kết, hỗ trợ HTX Sản xuất - Dịch vụ - Nông nghiệp Xuân Trường (xã Sơn Bình) trong hoạt động chế biến một số sản phẩm mới như nước ép thanh long đóng chai, nước uống dược liệu đóng chai; liên kết với các DN xuất khẩu bưởi, sầu riêng và lúa gạo…
Tại xã Long Tân, huyện Long Đất, HTX Dưa lưới Long Tân cũng đang thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất. HTX có 16 thành viên đang canh tác 25 nhà màng (1.000m2/nhà màng), chủ yếu là giống dưa oval vỏ vàng, canh tác theo mô hình VietGAP. Mỗi năm, HTX sản xuất 4 vụ, năng suất đạt từ 3-3,5 tấn dưa/vụ/nhà màng. Sản phẩm dưa lưới của HTX được thương lái các tỉnh, thành phố trong nước thu mua.
Ông Trương Văn Hậu, Giám đốc HTX cho biết, để đạt được thành công đáng khích lệ như hôm nay là nhờ HTX chú trọng nâng cao trình độ và trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Từ khi “chiêu mộ” được một kỹ sư Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh về làm việc, HTX mạnh dạn xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao và đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Tiếp tục hỗ trợ HTX
Là địa phương có kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, ông Đỗ Chí Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, nhờ thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TƯ và các chính sách hỗ trợ của tỉnh, hoạt động của các HTX trên địa bàn ngày càng được phát huy; khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém, góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, khu vực KTTT của tỉnh đến nay vẫn chưa đạt mức phát triển như mục tiêu, yêu cầu đề ra; công tác phát triển, đổi mới và nâng cao hiệu quả HTX còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ…
Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh có 198 HTX, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.845 lao động. Trong đó có 172 HTX đang hoạt động, lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số với 113 HTX. Tổng nguồn vốn hoạt động hơn 1.444 tỷ đồng, doanh thu ước đạt 980 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 46 tỷ đồng, tăng 25,1% so với năm 2023... |
Bà Nguyễn Thị Loan, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để KTTT phát huy tiềm năng, lợi thế hơn trong năm 2025, Liên minh HTX tỉnh khuyến khích xây dựng mối liên kết giữa các HTX, tổ hợp tác với DN nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2025-2030; hướng dẫn, tư vấn HTX xây dựng phương án kinh doanh, tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, khoa học kỹ thuật; nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý HTX; chủ động nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các mô hình hay, đề xuất, nhân rộng ở địa phương mình.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG