Hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch

Thứ Ba, 04/02/2025, 17:04 [GMT+7]
In bài này
.

Ngành nông nghiệp và địa phương trong tỉnh đã và đang có nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân, HTX, DN đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nhờ đó đã giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm sức lao động, giảm tổn thất trong thu hoạch, tăng thu nhập và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có giá trị.

Chi cục PTNT bàn giao máy móc cho cơ sở trà Lêkima (huyện Long Đất).
Chi cục PTNT bàn giao máy móc cho cơ sở trà Lêkima (huyện Long Đất).

Tăng tỷ lệ cơ giới hóa

Cơ sở trà Lekima, huyện Long Đất vừa được Chi cục PTNT tỉnh bàn giao 1 máy thái rau củ; 1 máy sấy nhiệt; máy xay bột khô; máy trộn lục giác và máy hàn miệng hút chân không, theo Quyết định số 2926/QĐ-UBND của UBND tỉnh về kế hoạch hỗ trợ  mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024, với kinh phí gần 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu, chủ cơ sở trà Lekima, huyện Long Đất cho biết, việc hỗ trợ những máy móc, thiết bị giúp cơ sở rút ngắn thời gian sản xuất, giảm tổn thất, chi phí vật tư, tăng công suất và sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng cho sản phẩm… Sản phẩm trà Lekima của cơ sở đã được chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2024, vì vậy, khi được hỗ trợ máy móc, sẽ giúp cơ sở nâng cao cơ giới hóa trong chế biến sản xuất, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và có điều kiện  tạo công ăn việc làm cho nhiều người hơn.

Cũng được hỗ trợ máy móc theo chương trình hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP, Chi cục PTNT cũng đã bàn giao cho HTX Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức 1 thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa T50 - phun thuốc bảo vật thực vật trên cây trồng.

Ông Phùng Văn Hòa, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, HTX trồng bơ trên diện tích rộng. Trước đây mỗi lần xịt thuốc phải thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe. Được hỗ trợ thiết bị bay, khi phun thuốc sẽ an toàn cho sức khỏe, nhất là khi có mưa và sương muối xuống, sử dụng máy bay xử lý thì tốc độ nhanh, hiệu quả hơn.

“Sản phẩm của đơn vị đã được chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2024. Chương trình hỗ trợ máy móc này sẽ giúp HTX mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ trong quy trình sản xuất và chế biến nông sản. Đồng thời tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hướng tới quảng bá, giới thiệu và xây dựng chuỗi liên kết bền vững lâu dài”, ông Hòa nói.

Đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển sản xuất… UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2926 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch năm 2024 được thực hiện tại các huyện: Châu Đức, Đất Đỏ (nay là Long Đất), Xuyên Mộc và TP. Bà Rịa, với 10 mô hình, tổng kinh phí thực hiện gần 7,4 tỷ đồng.

Thực tế sản xuất đã chứng minh, mô hình cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đồng thời tạo nền tảng vững chắc hướng đến sản xuất hàng hóa, thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững. Việc áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển. Nhiều loại trang thiết bị, máy nông nghiệp được hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác liên quan đã giúp giảm công lao động, tăng hiệu quả sản xuất. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 400 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với hơn 120 ngàn chiếc, chủ yếu ở lĩnh vực khai thác hải sản, chăn nuôi và trồng trọt. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt 100%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 80%, khâu thu hoạch và sấy khoảng 40%.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT, Sở NN-PTNT, chương trình cơ giới hóa trong nông nghiệp là 1 trong những nhiệm vụ nằm trong chiến lược cơ giới hóa của Trung ương. Tại tỉnh, chương trình được triển khai thực hiện nhắm tới mục tiêu giảm tổn thất sau thu hoạch, tiến tới tạo tiền đề chế biến, chế biến sâu trong sản xuất và là nền tảng để xây dựng các sản phẩm OCOP và tạo ra giá trị gia tăng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh.

“Triển khai chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan để tham mưu đẩy mạnh dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao kỹ năng, trình độ cho người dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm từng bước nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển 3 nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, sản phẩm là đặc sản của địa phương) để cơ giới hóa đồng bộ, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm”, ông Vũ Ngọc Đăng cho biết thêm.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 
;
.