Chủ động ứng phó với phòng vệ thương mại

Thứ Sáu, 14/02/2025, 16:54 [GMT+7]
In bài này
.

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, năm 2024 số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam gia tăng đáng kể với 28 vụ tại 12 thị trường, trong đó có tới 13 vụ việc từ thị trường Hoa Kỳ. Không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ. Đó là phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, hoặc điều tra kép cùng một sản phẩm, bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Dự báo từ cơ quan chức năng cũng cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại năm 2025 sẽ gia tăng. Thị trường xuất khẩu được đánh giá là biến động hơn rất nhiều so với trước đây. Các biện pháp phòng vệ thương mại thường nhằm vào vấn đề gian lận xuất xứ, phá giá hoặc không tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường, lao động. Đặc biệt là ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Trong khi đó, Việt Nam là nước nằm trong 5 nguồn cùng cấp nhôm thép hàng đầu vào Hoa Kỳ (bao gồm Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam). Không chỉ có Hoa Kỳ, các nước cũng siết chặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt hơn trong an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc… đối với hàng nhập khẩu.

“Phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, không để lỡ thời cơ và giữ đà, giữ khí thế để tiếp tục phát triển” - đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường kỳ Chính phủ tháng 1/2025 vừa qua trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới có thể làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu. Điều này đòi hỏi DN cần chủ động xây dựng chiến lược phát triển bền vững cũng như có giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu từ đầu vào lẫn đầu ra...

Việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe trên không chỉ giúp DN vượt qua các rào cản pháp lý mà còn tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng và đối tác tại thị trường nhập khẩu. Cùng với đó là tìm hiểu, tận dụng tối đa hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường này.

LAM GIANG

 
;
.