Một hệ sinh thái vật liệu xanh để xây dựng những kiến trúc xanh là mục tiêu mà các kiến trúc sư, đơn vị xây dựng và cả người sở hữu công trình, nhà quản lý, quy hoạch đang hướng tới.
Lãnh đạo Sở Xây dựng và các DN tham khảo sản phẩm gạch không nung. |
Sản xuất xanh
Vật liệu xây không nung (VLXKN) là một trong những phát minh xanh trong lĩnh vực xây dựng. Việc ứng dụng công nghệ xây dựng, sản xuất VLXKN đã góp phần vào việc tiết kiệm năng lượng cho các công trình xanh, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, có 5 DN xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung. Ông Triệu Minh Lượng, Giám đốc Công ty CP Đại Hồng Sơn (tổ 6, ấp Tân Trung, xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ) cho biết, công ty hiện đang sản xuất với công suất hơn 30 triệu viên gạch không nung các loại mỗi năm. Ưu điểm của gạch không nung là chịu cường độ cao gấp 2 lần so với gạch nung đất sét; độ bền cao trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt; cách âm tốt, hấp thụ và truyền tải nhiệt ít hơn gạch nung bằng đất sét; độ chính xác cao; chống cháy; không độc hại; bảo vệ môi trường.
Tại hội thảo “Hệ sinh thái vật liệu hướng đến kiến trúc xanh và phát triển bền vững” do Hội KTS tỉnh tổ chức vào cuối tháng 12/2024, ông Phạm Hiền Nhân, Giám đốc sản phẩm Công ty CP Kinh doanh Gạch ốp lát Viglacera cho biết, hệ sinh thái của Viglacera bao gồm: Đá nung kết; Bê tông khí chưng áp; Gạch slimtech 6mm; Kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng; Phủ PVD sen vòi, thiết bị vệ sinh.
Trong đó, sản phẩm đá nung kết được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Italia, sản xuất bền vững từ nguyên liệu và công nghệ, có khả năng tái chế (nghiền để tạo ra sản phẩm mới) và an toàn khi sử dụng. Sản phẩm bê tông khí chưng áp có trọng lượng nhẹ, cách âm, cách nhiệt tốt, chống cháy, tiết kiệm vật liệu, thi công nhanh, độ bền cao và thân thiện với môi trường. Đáng chú ý, quá trình sản xuất bê tông khí chưng áp 100% không phát thải ra ngoài môi trường. Gạch slimtech 6mm có nhiều ưu điểm như hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm kết cấu công trình, giảm chi phí vận tải, giảm giá thành sản phẩm, giảm phát thải khí CO2.
Kính tiết kiệm năng lượng có thể giúp tiết kiệm 52% chi phí hệ thống sưởi, giảm thiểu 53% công suất hệ thống điều hòa, ngăn cản tới 99% tia UV gây hại. Công nghệ phủ PVD sen vòi có nhiều tính năng vượt trội như tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường, an toàn với sức khỏe người sử dụng, độ bền vượt trội, dễ dàng vệ sinh và đa dạng sắc màu.
Khách du lịch vui chơi tại công trình kiến trúc xanh Six Senses Côn Đảo. |
Công trình xanh
Six Senses Côn Đảo tọa lạc trên bãi Đất Dốc, được xây dựng trên một khu đất rộng 12ha bao gồm 50 căn biệt thự trải dọc theo đường bờ biển dài 1.8km. Vật liệu chính thiết kế 50 căn villa, nhà hàng, phòng hội nghị, khu spa, cầu, bờ rào… chủ yếu nằm trong nhóm vật liệu xanh như gỗ, tre, trúc.
Theo chủ đầu tư, khi xây dựng Six Senses Côn Đảo Resort, DN tâm niệm kiến trúc phục vụ du lịch phải biết tôn trọng tự nhiên. Với vật liệu xanh, kiến trúc đặc sắc, năm 2010, Six Senses Côn Đảo được nhận giải thưởng Xây dựng và Thiết kế xuất sắc nhất thế giới dành cho thể loại khách sạn dạng nhỏ tại giải thưởng International Commercial Property Awards.
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, trong 10 năm qua, Việt Nam hiện có khoảng hơn 230 công trình đạt chuẩn kiến trúc xanh xây dựng và đưa vào hoạt động. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, có thể kể đến một số công trình, dự án bảo đảm không gian xanh, sử dụng năng lượng tiết kiệm như KDL Osaka Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc); chung cư Kim Tơ (huyện Long Điền), đặc biệt là dự án Six Senses Resort (huyện Côn Đảo)…
KTS Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội KTS tỉnh cho rằng, hiện nay kiến trúc xanh thực sự cần thiết trong việc phát triển đô thị lâu dài bền vững. Muốn có kiến trúc xanh thì đầu tiên là VLXD phải xanh. Vật liệu xanh là những sản phẩm được sản xuất và dùng những loại nguyên liệu phục vụ cho công tác xây dựng và đảm bảo được các tiêu chí như: không độc hại, tái chế được, tiết kiệm năng lượng và có tuổi thọ dài. Các quy trình sản xuất vật liệu xanh được kiểm định nghiêm ngặt. Một số loại vật liệu xanh phổ biến như gạch không nung, xốp XPS, đá chẻ, bê tông nhẹ, gỗ ốp tường xanh... “Bà Rịa-Vũng Tàu là một đô thị biển, đô thị du lịch thì kiến trúc xanh là xu hướng tất yếu mà địa phương đang quan tâm quy hoạch và phát triển. Bởi khách du lịch ngày càng có nhu cầu cao được trải nghiệm không gian xanh của các khu du lịch, resort”, KTS Nguyễn Đức Lập nói.
Ở góc độ quy hoạch, ông Mai Trung Hưng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, để xu hướng kiến trúc xanh đi vào cuộc sống, còn cần một đồ án quy hoạch mà trong đó việc xác định hướng phát triển, phân bố dân cư, xây dựng nhà xưởng… phải được tính toán theo hướng phù hợp với điều kiện địa chất, thủy văn, thân thiện với môi trường.
Bài, ảnh: QUANG VŨ