Nông dân thi đua sản xuất, làm giàu bền vững

Thứ Năm, 09/01/2025, 17:42 [GMT+7]
In bài này
.

Thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đến nay, chuồng trại của bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp đang nuôi vỗ béo 20 con bò lớn nhỏ. Do nuôi theo hình thức gối đầu, nên cứ khoảng 6 tháng, bà có bò thịt xuất bán.
Đến nay, chuồng trại của bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp đang nuôi vỗ béo 20 con bò lớn nhỏ. Do nuôi theo hình thức gối đầu, nên cứ khoảng 6 tháng, bà có bò thịt xuất bán.

Năng động, sáng tạo trong sản xuất

Được Hội Nông dân xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) giới thiệu, những ngày đầu năm 2025, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, ở ấp Phú Quý, là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi nhiều năm liền với mô hình nuôi bò vỗ béo để bán thịt.

Chỉ tay vào đàn bò cả chục con đang đủng đỉnh nhai cỏ, bà Điệp vui vẻ cho biết, trước đây gia đình nuôi bò sinh sản, nhưng lợi nhuận không cao. Sau khi tham quan, học tập một số mô hình nuôi bò vỗ béo ở các địa phương, năm 2022, bà Điệp đầu tư hệ thống tưới tự động, trồng 5 sào cỏ trong vườn, chuyển sang nuôi bò thịt.

Theo bà Điệp, để bò thịt tăng trọng nhanh, trước tiên phải chọn mua giống tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin. Bò nuôi khoảng từ 8 tháng, đạt trọng lượng 600 - 700kg/con là có thể xuất bán. Hiện nay, thương lái đã đặt cọc mua 9 con bò thịt trước Tết Nguyên đán 2025. Sau khi trừ chi phí thức ăn, mỗi năm gia đình bà thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng.

Tại huyện Châu Đức, ông Trần A Thuận, ở thôn Tam Long (TT.Kim Long) cũng là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Với gần 2ha hồ tiêu giống Srilanka, năng suất đạt từ 5 - 7 tấn/ha và 1ha bưởi da xanh cho thu hoạch khoảng 10 tấn trái, mỗi năm gia đình ông Thuận thu về hơn 1 tỷ đồng.

Tiêu Srilanka có nguồn gốc từ Thái Lan, có khả năng chịu hạn, năng suất cao hơn gấp 3 lần so với tiêu thường. Ngoài ra, giống tiêu Srilanka này còn có khả năng kháng bệnh tốt so với những dòng tiêu truyền thống. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Thuận còn tích cực hỗ trợ, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây, con giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm…

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động

Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” phát huy hiệu quả hơn nữa, hội sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của phong trào, tổ chức dạy nghề, truyền nghề, tạo việc làm cho nông dân; hỗ trợ vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao; thúc đẩy liên kết các mô hình sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Năm 2024, toàn tỉnh có 37.352/56.587 hộ nông dân đăng ký sản xuất, kinh doanh giỏi. Kết quả, cuối năm có 27.092 hộ đạt danh hiệu nông dân giỏi các cấp; trong đó có 20.369 hộ đạt cấp cơ sở, 5.688 hộ đạt cấp huyện, 977 hộ đạt cấp tỉnh và 58 hộ đạt cấp Trung ương.

“Đây là một phong trào mang ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Các cấp hội nông dân tiếp tục khơi dậy tinh thần thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa phong trào trong mỗi hội viên, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Mai Minh Quang cho hay.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

;
.