Hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thứ Năm, 02/01/2025, 18:06 [GMT+7]
In bài này
.

Hội Nông dân tỉnh đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, HTX… đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử B2B (Felix.store), mở thêm kênh tiêu thụ trong và ngoài nước.

Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix  ngay trong hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024.
Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Hội Nông dân tỉnh và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix ngay trong hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2024.

Ký kết hợp tác đưa nông sản lên sàn

Hội Nông dân tỉnh và Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix đã ký kết ghi nhớ hợp tác hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử B2B (Felix.store).

Theo thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn cho cán bộ, hội viên nông dân, tổ hợp tác; HTX và các DN sản xuất kinh doanh về cách thức tạo tài khoản; quản lý gian hàng trực tuyến, đưa sản phẩm lên sàn, chốt đơn hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, chương trình Ký kết hợp tác, hai bên kỳ vọng đây sẽ là nơi tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, tiến tới xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước.

Công ty CP Giải pháp Công nghệ Felix sẽ cử chuyên gia có chuyên môn, kinh nghiệm vận hành thực tế về thương mại điện tử để phối hợp tổ chức các chương trình hội thảo, tập huấn về thương mại điện tử; cung cấp dịch vụ công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng các kế hoạch chuyển đổi số thuộc lĩnh vực nông nghiệp gắn với phát triển thương mại điện tử của tỉnh. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 65.181 hội viên, với 27.092 hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt trong năm 2024, đây là đối tượng các cấp Hội trong tỉnh tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử.

Cơ sở nước mắm truyền thống Thành Nghĩa tại sự kiện giới thiệu  sản phẩm OCOP gắn với Làng nghề truyền thống tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cơ sở nước mắm truyền thống Thành Nghĩa tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với Làng nghề truyền thống tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Mở rộng cơ hội bán hàng

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, chủ cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Thành Nghĩa (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) cho biết, bán hàng trực tuyến là kênh tiêu thụ lớn, kết nối với đông khách hàng, có nhiều tiềm năng để phát triển. Do đó, khi được Hội Nông dân huyện Châu Đức lập danh sách hội viên sản xuất kinh doanh để tập huấn, hỗ trợ đưa sản phẩm nước mắm lên sàn B2B, bà kỳ vọng sản phẩm nước mắm truyền thống có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoài tỉnh.

Còn theo ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), trước kia khi bán sản phẩm trực tiếp, bộ phận kinh doanh của HTX rất vất vả, phải mang các sản phẩm đi giới thiệu khắp nơi, tốn nhiều thời gian, chi phí tiếp thị, quảng cáo sản phẩm. Việc được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn B2B thực sự là cơ hội lớn để HTX đa dạng kênh quảng bá, giới thiệu đặc sản tiêu sữa, tiêu một nắng, tiêu không hạt, bột hoài sơn, sữa hoài sơn, bánh hoài sơn, cà phê hoài sơn… của quê hương Xuyên Mộc đến hiều hơn với khách hàng trong và ngoài nước.

Trong năm 2024, các cấp Hội đã hỗ trợ 1.803 hộ nông dân có tài khoản trên các sàn TMĐT như Bưu điện tỉnh (postmart.vn) và Viettel Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu (voso.vn). Mục tiêu từ năm 2025-2028, mỗi năm có từ 2.700 tài khoản trở lên; trong đó mỗi xã, phường, thị trấn có từ 1-4 nhà cung cấp sản phẩm lên sàn TMĐT.

Để đáp ứng điều kiện sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử, trong năm 2024, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng, tổ chức 32 lớp tập huấn quy trình chăm sóc, chế biến, bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường; hỗ trợ hướng dẫn xây dựng 44 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân, tổ hợp tác, HTX…

“Đưa nông sản lên sàn B2B, kết hợp với các chương trình xúc tiến thương mại, góp phần tạo thêm kênh phân phối mới cho nông sản địa phương, định vị đúng giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, thông qua sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho cán bộ, hội viên nông dân thông tin về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất, thông tin thời tiết mùa vụ...”, ông Trần Văn Mảng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho hay.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

 
;
.