Cuối năm, nhu cầu tổ chức tiệc tất niên tại nhà, liên hoan tổng kết cơ quan, DN ngày càng nhiều nên dịch vụ nấu ăn phục vụ tận nơi trở nên đắt khách. Đến những ngày giáp Tết, nhiều cơ sở nấu tiệc tại nhà vẫn tất bật chạy “show’’.
Nhân viên cơ sở dịch vụ nấu ăn Thanh Thanh phục vụ tiệc cho một DN vào dịp Tết. |
Từ 3h sáng, bà Trần Thị Nga, chủ cơ sở dịch vụ nấu ăn N.N. (Ba Cu, TP.Vũng Tàu) đã ra các chợ đầu mối chọn mua các loại thực phẩm, chuẩn bị các bữa tiệc cho đơn hàng đặt trong ngày. Bà Nga cho biết, từ ngày 10 tháng Chạp đến 29 Tết, cơ sở của bà đã nhận hàng chục đơn đặt hàng nấu tiệc tại nhà. Không chỉ phục vụ ở TP.Vũng Tàu, bà Nga còn nhận đơn đặt hàng ở các huyện trong tỉnh và TP.Hồ Chí Minh. Theo bà Nga, giá thực phẩm ngày Tết tăng so với ngày thường nên giá mỗi bàn tiệc tăng 100-110 ngàn đồng.
“Hiện nay, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đang được nhiều khách hàng quan tâm nên chúng tôi rất chú ý đến việc này. Tất cả thực phẩm cơ sở sử dụng đều phải tươi ngon và có nguồn gốc rõ ràng”, bà Nga nói.
Anh Phạm Ngọc Hảo, chủ một cơ sở dịch vụ nấu ăn tại TP.Bà Rịa cho hay, bình thường, chỉ những ngày thứ bảy, chủ nhật mới có khách đặt tiệc. Tuy nhiên, những ngày giáp Tết, số lượng khách đặt tiệc tăng khoảng 20-30%. Hiện mỗi ngày, cơ sở nhận 2-3 tiệc. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài 5 nhân công chính của cơ sở, những ngày này, cơ sở còn phải thuê thêm 5-7 lao động thời vụ, chủ yếu là SV làm thêm.
Đã 24 tháng Chạp nhưng cơ sở nấu ăn Khanh vẫn tất bật với lịch phục vụ khách. Bà Trần Thị Mơ, chủ cơ sở nấu ăn Khanh (79/3 Bà Triệu, TP.Vũng Tàu) cho biết, cơ sở kinh doanh của bà không chỉ cung cấp dịch vụ cỗ Tết mà còn phục vụ khách hàng vào những dịp khác như lễ Vu Lan, cúng khai trương, cúng ngày vía thần tài, cúng động thổ, cúng nhập trạch... Tuy nhiên, dịp Tết dịch vụ nấu tiệc tại nhà là chủ yếu. Mặc dù nhu cầu của khách hàng tăng, nhưng so với năm ngoái, giá cả của mâm cỗ ngày Tết hầu như không đổi, với giá 1,5-1,8 triệu đồng/bàn.
Thực đơn cơ bản cho một bàn tiệc ngày Tết thường bao gồm các món truyền thống như bánh chưng, xôi, thịt gà, tôm, thịt bò, giò, nộm... Ngoài ra, tùy vào từng cơ sở, sẽ có thêm các món súp điểm tâm, trái cây tráng miệng. Người nhận dịch vụ sẽ phải lo từ nguồn nguyên liệu thực phẩm đến khâu nấu nướng, thiết kế bày mâm và cả công việc dọn dẹp khi buổi tiệc kết thúc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều người cùng hoạt động trong lĩnh vực này, để thu hút khách hàng và khẳng định thương hiệu, chất lượng mâm tiệc đóng vai trò tiên quyết. Ông Lê Đình Dũng, chủ cơ sở nấu ăn Hùng Dương (huyện Châu Đức) cho biết, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngoài các món ăn được chế biến từ tôm, heo, bò, gà, cơ sở của ông còn nấu các món đặc sản vùng quê như: heo rừng, thịt dê, cá lóc đồng…
Bài, ảnh: QUANG VŨ