NỘI DUNG LIÊN QUAN:
Đẩy mạnh cải cách thể chế, làm mới động lực tăng trưởng cũ, phát triển các động lực mới.... là những giải pháp được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặt ra cho các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ nhằm đạt mục tiêu phát triển “2 con số” tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ Năm, tổ chức tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chiều 2/12.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị. |
Cực tăng trưởng Đông Nam bộ đang đối diện nhiều thách thức
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhận định, Đông Nam bộ có sứ mệnh là một vùng động lực, một cực tăng trưởng của cả nước, với quy mô GRDP lớn nhất trong 6 vùng kinh tế, ước đạt hơn 3,65 triệu tỷ đồng. Trong năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của vùng ước đạt hơn 187 triệu đồng/ năm, cũng cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng chung của vùng đang có xu hướng chậm lại. Năm 2024, tốc độ phát triển GRDP vùng ước đạt 6,38%, thấp hơn bình quân chung và đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế của cả nước. Đông Nam bộ hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, giao thông kết nối các địa phương với TP.Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Công nghiệp là trụ cột phát triển của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc vào DN đầu tư nước ngoài.
Nhằm tạo động lực cho sự phát triển trong thời gian tới, cơ quan thường trực Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam bộ đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, Quy hoạch Vùng Đông Nam bộ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Tập trung giải ngân số vốn đầu tư đã được giao, đưa nguồn vốn hấp thụ vào nền kinh tế, đồng thời nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất quan trọng, cấp bách để ưu tiên bố trí trong nguồn vốn trung hạn. Các địa phương có nguồn thu lớn cần tập trung nguồn lực cùng với nguồn ngân sách Trung ương cho các dự án để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng vùng giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Ria-Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị. |
Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nguồn lực cho hạ tầng
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết, để tạo ra động lực tăng trưởng trong thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá được tỉnh xác định trong thời kỳ Quy hoạch tỉnh vừa được phê duyệt là “Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng thủy lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện các dự án giao thông kết nối, như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, dự án Cầu Phước An, đường ven biển 994…
Bà Rịa-Vũng Tàu cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong vùng triển khai đầu tư tuyến đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh gắn với cảng quốc tế Cái Mép, sân bay quốc tế Long Thành để hình thành hành lang kinh tế, khu mậu dịch tự do logistics, công nghiệp, cảng; kết nối hệ thống giao thông quốc gia, mở rộng không gian phát triển với các tỉnh trong vùng và ngoài vùng. Tỉnh cũng đã đầu tư các tuyến kết nối hệ thống cảng với đường Vành đai 4, với tổng mức đầu tư khoảng 7.600 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư các tuyến giao thông kết nối đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh khoảng 42 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 11 ngàn tỷ đồng, địa phương 31 ngàn tỷ đồng.
Cầu Phước An hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ. Trong ảnh Thi công cầu Phước An. |
Tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các địa phương trong vùng đã tập trung triển khai các dự án giao thông kết nối vùng. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã nỗ lực thực hiện cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua tỉnh dự kiến hoàn thành trước 8 tháng.
Thủ tướng cũng chỉ rõ hạn chế, tồn tại mà các tỉnh, thành trong vùng cần sớm khắc phục. Đó là tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công còn thấp hơn cả nước. Công nghiệp tăng trưởng trở lại nhưng cần bền vững hơn. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, nhất là cảng còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ. Tiến độ triển khai các nhiệm vụ của Hội đồng vùng cần cải thiện.
Nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu trong năm 2025 tăng trưởng 2 con số, Thủ tướng chỉ ra giải pháp để đạt được mục tiêu này. Thứ nhất, đột phá của đột phá là thể chế. Thứ hai, muốn tăng trưởng phải thúc đẩy và làm mới 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư phát triển, xuất khẩu và tiêu dùng, đặc biệt là đầu tư công. Cùng với đó là phát triển các động lực mới như kinh tế số, xanh, tuần hoàn, chia sẻ, trí thức, ban đêm. Thứ ba là nguồn nhân lực chất lượng cao với các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.
“Thứ tư là quản trị, phải thay đổi, cơ cấu lại cách quản trị để thông minh hơn, sử dụng công nghệ số nhiều hơn. Tiếp đến là vấn đề quản lý liên quan đến an ninh trật tự, tránh lãng phí. Thứ sáu là phải đề xuất chung các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn chung cho toàn vùng”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bài, ảnh: VINH - THẮNG